Được trả 300% lương
Đơn hàng lớn và phải xuất đi gấp nên công ty chị Lò Thị Yên (30 tuổi, công nhân ở Bắc Giang) đã thông báo công nhân phải làm thêm vào ngày Tết Dương lịch. Với chị Yên, thông tin này không ảnh hưởng nhiều bởi ngày nghỉ Tết chị Yên chưa có dự định đi đâu.
"Quê của tôi ở Điện Biên, cách xa công ty hơn 500km. Thời gian cả đi cả về tốn hết nguyên ngày đồng thời tiền xe khách cả đi cả về tốn 1 triệu đồng. Tết Dương lịch được nghỉ tôi cũng không dám về quê" - chị Yên nói.
Theo nữ công nhân, chỉ những người ở gần mới cảm thấy hụt hẫng vì phải đăng ký đi làm, còn những người ở xa lại cảm thấy bình thường, thậm chí là mong muốn đi làm. Bởi làm ngày Tết Dương lịch lương cao hơn ngày thường, chỉ cần làm thêm gần 1 tháng nữa là được nghỉ Tết Âm lịch dài ngày để về với gia đình.
Ở lại làm thêm ngày Tết Dương lịch, chị Yên được công ty trả lương 300%, khoảng 550.000 đồng. Cộng thêm thưởng Tết Dương lịch 200.000 đồng, nữ công nhân cho biết mua được khá nhiều thứ. “Tôi sẽ dành khoảng 500.000 đồng để mua quần áo cho các con, còn lại 250.000 đồng mua đồ ăn sáng đi làm hàng ngày” - chị Yên chia sẻ.
Dù vậy, chị Yên cho biết, số tiền làm thêm ngày Tết Dương lịch chỉ cao gấp rưỡi so với ngày thường làm thực tế bởi công ty dựa trên lương cơ bản để tính. Nếu tính theo lương thực tế, nữ công nhân có thể nhận được hơn 1 triệu đồng.
Quê ở Thanh Hóa, anh Trần Văn Hải (30 tuổi) - công nhân lắp ráp linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đăng ký đi làm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch.
"Chúng tôi được nghỉ 2 ngày, công ty để công nhân tự nguyện đăng ký đi làm. Không về quê nên khi nhận được thông báo, tôi liền đăng ký" - anh Hải nói và cho biết thêm, sau nhiều năm làm công nhân xa nhà, anh đều tranh thủ đi làm vào các ngày lễ. Bởi lẽ, đi làm vào dịp này giúp tiền lương của anh được tăng thêm 300%. Đây coi như chi phí trang trải cho tiền thuê trọ 1 tháng của nam công nhân.
Thu nhập tăng nhưng chỉ được tiền hỗ trợ
Với những ngành dịch vụ thẩm mỹ, ngày nghỉ, ngày lễ chính là thời điểm đông khách hàng nhất. Vì thế, khi xác định làm công việc trong lĩnh vực này, dù muốn hay không, người lao động vẫn phải lựa chọn ở lại phục vụ khách hàng.
Làm việc trong lĩnh vực chăm sóc da, chị Phạm Thị Tâm (26 tuổi) ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, ngày Chủ nhật hay ngày lễ chị bắt buộc phải đi làm. Bởi những ngày này chính là thời điểm đông khách nhất.
“Chúng tôi được nghỉ 4 ngày trong một tháng. Tết Nguyên đán được nghỉ từ chiều 29 hoặc 30 Tết đến mùng 5 phải đi làm lại" - chị Tâm nói. Dù vậy, đi làm trong ngày nghỉ, ngày lễ theo chị Tâm cũng nhận được nhiều thu nhập hơn hẳn so với ngày thường. Chia sẻ chi tiết, chị Tâm cho biết, vừa có lương, vừa bán được nhiều sản phẩm ngoài ra còn có tiền hỗ trợ và tiền "tip".
“Năm nay, chúng tôi được hỗ trợ làm thêm Tết Dương lịch 100.000 đồng. Ngày này, khách đến rất đông nên tư vấn bán thêm sản phẩm cũng dễ dàng hơn. Năm ngoái, tôi nhận được gần 1 triệu tiền tip” - chị Tâm chia sẻ.
Theo chị Tâm, ngày lễ, chị phải tăng ca thêm 1 tiếng, đến 9h tối mới được về. Xong việc, cơ thể vô cùng mệt mỏi nên nữ nhân viên cho biết, chỉ muốn ăn nhẹ thứ gì đó rồi nghỉ ngơi chứ không còn tâm trí đi chơi hay mua sắm.
https://laodong.vn/cong-doan/luong-tang-gap-ba-cong-nhan-chon-lam-them-dip-tet-duong-lich-1440362.ldo