Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kiều Vũ
Cần bổ sung quy định bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến thực trạng quyền lợi của người lao động (NLĐ) không được giải quyết, nhất là về lương, BHXH, BHYT khi doanh nghiệp phá sản. Một trong những lý do là vì hành lang pháp lý để giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp này còn nhiều khoảng trống. Do đó, rất cần thiết cho ý kiến về việc xử lý doanh nghiệp trong việc nợ lương, BHXH, BHTN của NLĐ; cơ chế giải quyết quyền lợi cho NLĐ; quyền và trách nhiệm của tổ chức CĐ.
Đại diện LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 5-7 năm qua, trên địa bàn xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, để lại hậu quả nặng nề: NLĐ mất việc làm, bị nợ lương nhiều tháng, không được đóng BHXH dẫn đến không thể chốt sổ, mất quyền lợi về BHYT, thất nghiệp…
Một trong những trường hợp điển hình là Công ty TNHH Bumjin Vina (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân. Từ 25 Tết 2018, ông Park Kye Ho - Giám đốc Công ty bỏ đi không dấu vết, đến kỳ trả lương cuối năm công nhân mới phát hiện không được trả lương và chủ đã “biến mất”. Tiền BHXH nợ lại hơn 2,9 tỉ đồng và hàng trăm công nhân mòn mỏi chờ tin ông chủ để đòi lương, BHXH. CĐ Thành phố phải can thiệp khẩn cấp trong các vụ điển hình, vừa bảo đảm trật tự, ổn định tâm lý NLĐ, vừa tích cực hỗ trợ vật chất, đồng thời đại diện cho tập thể NLĐ đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp.
Từ thực tế, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phá sản, LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất việc bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay sau khi tòa án thụ lý thủ tục phá sản hoặc phục hồi. Biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn kịp thời tình huống chủ doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài, đảm bảo họ ở lại để thực hiện trách nhiệm với NLĐ và quá trình giải quyết phá sản. Điều này nhằm chủ động phòng ngừa việc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, bảo toàn tài sản doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Đại diện LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh cần bổ sung quy định bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Thực tế hiện nay, khi doanh nghiệp phá sản hoặc chủ bỏ trốn, người lao động thường chịu thiệt thòi nặng nề về tiền lương, trợ cấp, BHXH, BHYT.... LĐLĐ Thành phố cũng chỉ ra rằng, pháp luật chưa có tiêu chí rõ ràng xác định “chủ doanh nghiệp bỏ trốn” và chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản trong những trường hợp này…
Lúng túng trong thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập của pháp luật phá sản liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Phân tích một số vướng mắc, bất cập, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục xử lý các khoản nợ BHXH sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chế độ đối với NLĐ chỉ được giải quyết sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp và tất toán tiền BHXH,… ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Phá sản thì đại diện cho NLĐ, đại diện CĐ được NLĐ ủy quyền có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ. Tuy nhiên, Luật Phá sản không quy định cụ thể về thủ tục cử đại diện cho NLĐ nên gây khó khăn, lúng túng trong thực tiễn khi NLĐ ủy quyền cho đại diện tham gia Hội nghị chủ nợ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 27 Luật Phá sản thì kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có chứng cứ để chứng minh khoản nợ khác đến hạn. Tuy nhiên, đối với NLĐ, tổ chức đại diện quyền lợi của NLĐ, việc chứng minh các khoản nợ khác đến hạn khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là rào cản để họ thực hiện quyền của mình...
https://laodong.vn/cong-doan/quyen-loi-nguoi-lao-dong-can-duoc-giai-quyet-khi-doanh-nghiep-pha-san-1493249.ldo