Trang chủChuyên đềNghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Cập nhật lúc 09:42 08/09/2024 (GMT+7)
Bảo đảm quyền lợi của người lao động là ưu tiên hàng đầu

Lợi dụng sự việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tiếp tục đưa thông cáovới những nhận định sai trái, thể hiện cách nhìn tiêu cực, xa rời thực tế về việc đảm bảo quyền của người lao động và phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

HRW và những chiêu bài, cáo buộc vô căn cứ về nhân quyền

Tổ chức theo dõi nhân quyền (tiếng Anh: Human Rights Watch- HRW) là một tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động về nhân quyền, có trụ sở tại Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở một số quốc gia. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch, thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc thực hiện hiệp ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và “hỗ trợ” các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác đổi tên thành Human Rights Watch (HRW)1

Nhìn vào lịch sử của tổ chức HRW kể từ khi được thành lập cho đến nay có thể thấy, cho dù đã được đổi tên và mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động về nhân quyền nhưng hoạt động của HRW vẫn đi theo mục đích cũ và ý đồ chính trị là đưa những thông tin sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền cũng như can thiệp vào nội bộ của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù là tổ chức mang tên gọi về nhân quyền nhưng các hoạt động của tổ chức trên thực chất lại là cái cớ để tổ chức này xuyên tạc, chống phá2.

Tháng 5/2024, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần trong vụ việc rà soát vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Phiên điều trần được tổ chức trên cơ sở đề nghị của các bên liên quan và đây cũng là yêu cầu trong quy trình điều tra rà soát của Bộ Thương mại Mỹ. Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập kỷ qua. Đến nay, đã có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới(3)

Tuy nhiên với thái độ thiếu thiện chí, Giám đốc vận động Ban Á Châu của HRW – Ông John Sifton đã lấy lý do "Ở Việt Nam không cho phép các công đoàn độc lập được đại diện cho người lao động" rồi quy kết người lao động không bảo đảm quyền lợi nhằm gây sức ép tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong vấn đề đánh giá hiện trạng thương mại, quyền lợi người lao động ở Việt Nam. Những luận điệu của HRW cố tình phủ nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, đưa ra những thông tin không phản ánh đúng sự thật về quyền của người lao động và phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam là thiên kiến, cực đoan, khó có thể chấp nhận.

Lao động và việc làm là quyền cơ bản của công dân

Thực tiễn cho thấy lao động và việc làm là một trong những quyền cơ bản của công dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật cũng như bảo đảm thực thi trong đời sống. Tại Điều 35, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lao động và việc làm như: Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2024;  Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2014, ... Nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 tại Khoản 1, Điều 4 Chính sách của Nhà nước về lao động khẳng định việc: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Đồng thời Luật cũng xác định quyền và nghĩa vụ của người lao động, đó là: hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể. Cùng với đó người lao động được thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.

Công nhân H'CHUYÊN NIÊ, Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến tại Diễn đàn Người lao động năm 2023

Ngoài ra, Quốc hội còn ban hành hệ thống các văn bản luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và minh bạch cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức, đơn vị kinh tế, thông qua đó tạo việc làm cho người lao động; các văn bản luật quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp về lao động, các biện pháp chế tài về hành chính, hình sự đối với những hành vi vi phạm quyền lao động và việc làm của công dân. Những văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm quyền lao động và việc làm của công dân trên thực tiễn. 

Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn sửa đổi

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn sửa đổi

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra hàng loạt các chương trình kinh tế - xã hội như: Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm với những hoạt động: thực hiện quỹ quốc gia tạo việc làm; thành lập các ngân hàng người nghèo; giao quyền sử dụng ruộng đất để khuyến khích trồng rừng, chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ... Đồng thời, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động, Nhà nước cũng ban hành một hệ thống chủ trương, chính sách thông thoáng thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài nhằm tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho những người trong độ tuổi lao động đều có thể thực hiện quyền lao động của mình.

Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Đảng ta xác định: bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Đến năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói, trên 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, được chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; trên 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Phấn đấu mở rộng diện bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 khoảng 45% người lao động tham gia, năm 2030 đạt 60%; bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong về an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng.

Sau gần 40 năm đổi mới, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, cụ thể là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và kèm theo đó là việc cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn chung, trong đó có vấn đề quyền của người lao động. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm 7 trong số 8 công ước cơ bản, trong đó có các công ước liên quan đến các lĩnh vực: thương lượng tập thể; phòng, chống phân biệt đối xử; lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…

Những nỗ lực chủ động và tích cực của Việt Nam vì người lao động đã củng cố uy tín của đất nước trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và hướng đến một xã hội công bằng, nơi các lợi ích của quá trình hội nhập và phát triển được chia sẻ một cách công bằng cho người lao động. Dù HRW hay bất kỳ tổ chức thiếu thiện chí nào có hành động vu cáo Việt Nam dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, lao động, việc làm… thì chính những thành tựu sinh động nêu trên là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc. 

Công đoàn Việt Nam khẳng định vị thế vững chắc

Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động; đóng góp quan trọng, trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Các hoạt động do Công đoàn triển khai đều hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm và xây dựng các chương trình hoạt động. Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội với CNLĐ và Diễn đàn Người Lao động 2023 được tổ chức trên tinh thần đó. Diễn đàn Người Lao động năm 2023 có chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” là dịp để đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.

Đáng kể trong nhóm kết quả này, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 01 ngày nghỉ vào dịp 2/9 trong Bộ Luật lao động năm 2019; xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; đặc biệt là các Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 28/10/2021 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.

Công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng/người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 -  Tuổi Trẻ Online

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho công nhân

Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng. Chính trong bối cảnh khó khăn đó, các cấp công đoàn đã tích cực vào cuộc, vừa tham gia phòng chống dịch bệnh vừa đồng hành với người lao động. Tiêu biểu có thể kể đến là việc triển khai các gói hỗ trợ dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19 với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng. Song song đó, nhiều phong trào thi đua trong thời điểm dịch COVID-19 đã được triển khai hiệu quả, như “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, được cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã sớm đạt mục tiêu với nhiều sáng kiến có giá trị, ý nghĩa xã hội lớn...

Vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả, được lan tỏa mạnh mẽ. Tháng Công nhân và Tết Sum vầy đã trở thành hoạt động thường niên, được đoàn viên, người lao động mong đợi. Trong đó Tháng Công nhân hàng năm được triển khai rộng khắp, đổi mới về hình thức, thiết thực về nội dung; tập trung tuyên truyền về vai trò, sức mạnh, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, về tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1.5. Với chương trình “Tết Sum vầy” đã có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà với trên 28 nghìn tỉ đồng. Đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động trở nên phong phú với các chương trình do Công đoàn phối hợp tổ chức như: “Giờ thứ 9+” trên VTV3; Giải vô địch bóng đá công nhân Toàn quốc 2023; Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn... tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao văn hóa đọc, đời sống, tinh thần và sức khỏe người lao động...

Những kết quả nổi bật kể trên cho thấy sự quan tâm, chăm lo của các cấp công đoàn cả nước đối với người lao động. Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tháng 12/2023 đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ là cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu. Một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới được Đại hội lựa chọn là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, Để đoàn viên, người lao động được thụ hưởng nhiều hơn nữa chính sách phúc lợi từ nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn, mới đây Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”. Trong đó xác định chỉ tiêu chủ yếu đến nǎm 2030 như: 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chǎm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn; 100% đoàn viên được thǎm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khǎn, được thụ hưởng chính sách, chương trình chǎm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn hoặc Công đoàn phối hợp tổ chức; 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn” với hình thức phù hợp

Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với trách nhiệm và vai trò quan trọng, trực tiếp của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trải qua từng giai đoạn lịch sử, từng nấc thang phát triển của đất nước, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Đây là cơ sở quan trọng tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta. Thực tiễn sinh động này chính là căn cứ quan trọng nhất góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc vấn đề người lao động ở Việt Nam./.

HÀ PHƯƠNG

 

Tài liệu tham khảo

(1) https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/to-chuc-theo-doi-nhan-quyen-hrw-lai-xuyen-tac-tinh-hinh-nhan-quyen-viet-nam-511392

(2) https://cand.com.vn/nhan-quyen/hrw-lai-tung-hoa-mu-ve-quyen-cua-nguoi-lao-dong-tai-viet-nam-i731571/

(3) https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/hoa-ky-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-viet-nam-dap-ung-cac-tieu-chi-kinh-te-thi-truong-cua-my.html.

(4) Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

(5) Nghị quyết 07/NQ-BCH, ngày 29/8/2024 của Ban Chấp hành về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”.

 

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: