Nhiều hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn
Đối với Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, báo cáo tập trung đánh giá kết quả hoạt động công đoàn nổi bật trên 11 lĩnh vực lớn, nêu ra 7 tồn tại, hạn chế và 10 nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Từ thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn ở từng địa phương, ngành, đơn vị, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu thảo luận về kết quả đạt được, đối chiếu với những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, phân tích kỹ các nguyên nhân, qua đó đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác công đoàn năm 2024 đã đề ra, quyết tâm sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào cuộc sống.
Về Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo xây dựng nghị quyết để sớm ban hành thực hiện.
Đây là nghị quyết chuyên đề nhằm tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu cho ý kiến, nhất là về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đặc biệt là các nhiệm vụ giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức công đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Đối với Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”, ông Nguyễn Đình Khang đánh giá đây là nghị quyết chuyên đề, với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn, bao trùm, bền vững và huy động nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu hút người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.
Về Chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, giai đoạn 2024 - 2028”, đây là một trong tổng số 26 chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Để xây dựng Chương trình, Tổng Liên đoàn đã thành lập Tổ nghiên cứu, tổ chức 5 hội nghị để hoàn thiện, đồng thời tổ chức lấy ý kiến 82 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn vào dự thảo Chương trình.
“Đề nghị Ban Chấp hành tiếp tục thảo luận, nhất là về mục tiêu, các chỉ tiêu hàng năm, chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và một số nội dung còn ý kiến khác nhau để Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn hoàn thiện, ban hành, thực hiện” - ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Về Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ông Nguyễn Đình Khang đánh giá, đây là nội dung quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Dự thảo Chương trình đã lấy ý kiến các đồng chí cán bộ công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Từ thực tiễn tại ngành, địa phương và kinh nghiệm công tác, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu thảo luận về mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 5 sẽ xin ý kiến Ủy viên Ban Chấp hành về nhân sự dự kiến bầu bổ sung Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; công tác quy hoạch cán bộ; Công tác giới thiệu nhân sự dự kiến bầu bổ sung Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.