Dự án hơn 600 tỉ đồng tại Cụm công nghiệp Huyền Tụng (TP Bắc Kạn) sắp hoàn thành, kỳ vọng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Hình hài nhà máy dần lộ diện
Dự án sản xuất, gia công giày dép, đế giày xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Bắc Kạn - Việt Nam khởi công từ tháng 6.2024, tổng mức đầu tư 25 triệu USD (hơn 600 tỉ đồng), công suất 10 triệu đôi giày dép/năm. Nhà máy được kỳ vọng khi hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhà đầu tư thứ cấp, từ đó tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động thời điểm cuối tháng 3.2025, sau gần 1 năm triển khai, đến nay dự án sản xuất, gia công giày dép, đế giày xuất khẩu đã cơ bản hoàn thiện. Trên công trường, các công nhân, kỹ sư được huy động thi công các hạng mục quan trọng. Máy móc san gạt nền, lu lèn đường, hoàn thiện loạt hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác.
Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, đến tháng 3.2025, hai hạng mục quan trọng nhất là nhà xưởng và nhà kho đã hoàn thành, một số dây chuyền thiết bị, máy móc đã lắp đặt xong. Hiện các nhà thầu đang tập trung triển khai giai đoạn hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ để chuẩn bị đưa nhà máy vào vận hành, dự kiến trong quý II/2025.
Không chỉ dừng lại ở CCN Huyền Tụng, doanh nghiệp còn có kế hoạch mở rộng đầu tư tại huyện Ngân Sơn và Na Rì với hai nhà máy mới, mỗi nhà máy có công suất khoảng 1,5 triệu đôi giày dép/năm, thu hút từ 1.500 - 2.000 lao động địa phương. Việc mở rộng này không chỉ tạo thêm nhiều việc làm mà còn góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp tại các huyện khác của Bắc Kạn.
Kỳ vọng về việc làm ngay tại quê hương
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên phần lớn lao động phải tìm việc ở các tỉnh lân cận. Dù mong muốn làm việc gần nhà, nhiều người buộc phải chấp nhận xa quê vì không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, khi có thông tin một nhà máy giày dép quy mô hàng trăm tỉ đồng sắp đi vào hoạt động, không ít lao động kỳ vọng dự án này sẽ mở ra cơ hội việc làm ngay tại địa phương, giúp họ gắn bó lâu dài với quê hương.
Chị Nguyễn Thị Hoa (TP Bắc Kạn) từng làm công nhân tại Bắc Ninh nhiều năm. Những tưởng thu nhập cao hơn sẽ giúp cuộc sống ổn định, nhưng chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ đắt đỏ cùng nỗi nhớ nhà khiến chị luôn trăn trở. “Có tháng tăng ca liên tục, mệt thì mệt nhưng nghĩ đến tiền lương là cố gắng. Thế mà trừ hết tiền ăn ở, gửi về cho con chẳng còn bao nhiêu. Xa con, có ốm đau cũng chỉ biết gọi điện về nhà. Nếu Bắc Kạn có nhà máy giày dép, tôi sẽ về ngay, có việc làm mà vẫn được gần gia đình”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, anh Lê Văn Hùng, người dân địa phương cũng mong muốn có công việc ổn định tại quê hương. Trước đây, anh từng làm công nhân tại Thái Nguyên nhưng sau nhiều năm, anh quyết định trở về quê làm ruộng vì đi xa quá vất vả. Anh Hùng cho hay, nếu có một nhà máy quy mô lớn, hoạt động ổn định, nhiều lao động địa phương sẽ có điều kiện gắn bó với quê hương thay vì phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác.
Dự án này còn mở ra triển vọng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác...
https://laodong.vn/cong-doan/bac-kan-sap-co-them-5000-viec-lam-nho-nha-may-giay-dep-600-ti-dong-1481241.ldo