Đa số nhà tuyển dụng cho rằng lao động trẻ khó tìm việc do thiếu kỹ năng mềm. Ảnh: Quỳnh Chi
Khó tìm việc
Theo học ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi, chị Nguyễn Hoàng Anh (24 tuổi, quê Thanh Hóa) cố gắng tìm công việc liên quan tới chuyên ngành.
Gần 2 năm nay, chị Hoàng Anh nộp hàng chục CV, phỏng vấn qua hàng chục công ty nhưng vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Đa số lý do chị Hoàng Anh bị từ chối là chưa phù hợp với yêu cầu công việc, thiếu kinh nghiệm thực tiễn… Được bạn thân của bố mẹ giới thiệu, chị Hoàng Anh đến làm nhân viên hành chính của một công ty xuất nhập khẩu nông sản với vị trí nhân viên kế toán kho.
“Tôi được nhận vào làm, vừa học vừa làm trong 3 tháng mới bắt đầu quen việc. Dù rất nản do không được làm đúng chuyên ngành đã học nhưng tôi không dám bỏ việc vì bố mẹ không cho phép. Tôi làm được 1 năm thì công ty gặp khó, lương trả nhỏ giọt, lúc ấy bố mẹ mới đồng ý cho tôi nghỉ việc”, chị Hoàng Anh nói.
Hiện chị Hoàng Anh làm giáo viên tiếng Anh cho một trung tâm tiếng Anh tại quận Hà Đông (Hà Nội) sau một thời gian vật vã nhưng vẫn khó tìm việc ưng ý. “Tôi không cố gắng tìm việc đúng chuyên ngành nữa. Tôi chấp nhận công việc này vì thu nhập cũng đảm bảo đủ sống”, chị Hoàng Anh cho hay.
Lao động trẻ tìm cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội. Nhà tuyển dụng tại phiên đánh giá, với ứng viên thiếu kỹ năng mềm sẽ rất khó tìm việc. Ảnh: Quỳnh Chi
Tháng 9.2024, anh Trần Văn Hoàn (28 tuổi, quê huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thất nghiệp sau khi công ty đột ngột cắt giảm nhân sự vì tình hình kinh doanh khó khăn. Từ đó đến nay, anh Hoàn rải CV rất nhiều nơi nhưng đều thất bại. Hiện anh Hoàn làm freelancer (công việc tự do) do nhờ bạn bè từ những mối quan hệ cũ.
Nói về công việc hiện tại, anh Hoàn than thở: “Mỗi người giúp tôi 1 công việc, nhưng mỗi việc chỉ kéo dài tối đa 1 tháng, tôi rơi cảnh sống nay không biết mai ra sao. Cũng may chưa có gia đình nên mọi thứ sinh hoạt, chi tiêu tôi đều cắt giảm ở mức tối thiểu để cầm cự”.
Theo báo cáo "Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng 2025" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong số 186 triệu người thất nghiệp, lực lượng lao động là thanh niên chiếm khoảng 12,6%. Tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo tăng gần 4% ở các nước thu nhập thấp.
Lao động phải năng động và tích cực hơn
Nhận định về thực tế thanh niên khó tìm việc, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - cho rằng, trong điều kiện hiện nay, người lao động cần chủ động, tích cực đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc, đáp ứng sự đòi hỏi của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần chủ động nghiên cứu các thông tin về thị trường lao động và đánh giá năng lực bản thân để xác định vị trí việc làm phù hợp.
“Giới trẻ ngày nay rất năng động, cầu tiến và ham học hỏi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm việc học lý thuyết mà thiếu sự tiếp nhận, trau dồi những kỹ năng mềm. Bên cạnh bằng cấp, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến kỹ năng của ứng viên. Bạn trẻ không nên tự tin nếu chỉ cầm trong tay tấm bằng khá, giỏi; trong khi kỹ năng mềm, ngoại ngữ lại kém. Cơ hội việc làm tỉ lệ thuận với các kỹ năng mà người trẻ tích lũy được”, ông Lê Quang Trung nói.
Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2024, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 7,96%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,34 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,02%; khu vực nông thôn là 7,40%. Tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,3 triệu thanh niên, chiếm 10,0% tổng số thanh niên. Trong đó, tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực thành thị là 7,4%; khu vực nông thôn là 11,6%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,4%; nam là 8,6%.
Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) cả năm 2024 là 7,83%, tăng 0,30 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,35%, khu vực nông thôn là 6,97%.