Đoàn giám sát do LĐLĐ tỉnh thành lập làm việc tại Công ty CP May XNK Đức Thành. Ảnh: Cẩm Tú
Đẩy mạnh công tác chăm lo NLĐ
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng để góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn là việc đẩy mạnh chăm lo đời sống cho người lao động. Và đây là giải pháp được LĐLĐ tỉnh các cấp Công đoàn tỉnh quan tâm triển khai và mang lại hiệu quả trong suốt nhiều năm qua, từ đó góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, LĐLĐ tỉnh triển khai nhiều đợt cao điểm chăm lo cho đoàn viên, người lao động như: Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân và Ngày thành lập Công đoàn. Điển hình dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn tập trung mọi nguồn lực thăm hỏi, tặng quà cho trên 110.000 đoàn viên, người lao động với số trên 100 tỉ đồng. Trong đó, chú trọng quan tâm chăm lo cho người lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp có đông lao động.
Đầu năm 2025, trước tình trạng Công ty CP GAVI (Phú Tân) phá sản, LĐLĐ tỉnh An Giang nhanh chóng vào cuộc, thành lập đoàn công tác đến trực tiếp nắm tình hình và chia sẻ khó khăn với người lao động. Ngay sau đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện Phú Tân phối hợp với chính quyền tổ chức thăm hỏi, tặng quà, đồng thời triển khai các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho 41 lao động. Nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyền lợi người lao động đã được giải quyết ổn thỏa theo quy định.
Tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Tranh thủ sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, LĐLĐ tỉnh An Giang đã triển khai nhiều văn bản liên quan đến thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các hoạt động nổi bật gồm: Đăng ký phần việc giám sát theo Quyết định 217/QĐ-TW; cử cán bộ đôn đốc, nhắc nhở tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động đúng quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn lao động, chế độ lao động nữ, sử dụng kinh phí công đoàn... Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình đời sống, việc làm của người lao động tại doanh nghiệp.
Cuối năm 2024, LĐLĐ tỉnh An Giang phối hợp các ngành chức năng tổ chức 2 cuộc giám sát tại hai doanh nghiệp đông lao động: Công ty CP May Xuất nhập khẩu Đức Thành và Công ty TNHH Dream An Giang. Đồng thời, phối hợp với Ban Quan hệ lao động tỉnh, BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN tại 64 đơn vị, doanh nghiệp.
Năm 2024, toàn tỉnh có 20/20 doanh nghiệp Nhà nước bổ sung, sửa đổi Quy chế thực hiện dân chủ tại cơ sở, đồng thời tổ chức thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho người lao động, vượt quy định pháp luật.
Ở khu vực ngoài Nhà nước, có 239/245 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đạt tỉ lệ 98% (trong đó có 7 bản thỏa ước được ký mới trong năm 2024). Các thỏa ước ngày càng nâng cao về nội dung và hình thức, góp phần phát huy quyền dân chủ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Toàn tỉnh có 265 doanh nghiệp (đạt 100%) tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động. Nhờ vậy, năm 2024 không xảy ra tranh chấp lao động tập thể hay đình công trên địa bàn tỉnh.
https://laodong.vn/ldld-an-giang/an-giang-phat-huy-quy-che-dan-chu-on-dinh-quan-he-lao-dong-1484299.ldo