Lao động thời vụ là bộ phận không thể thiếu trong thị trường lao động. Ảnh: Quỳnh Chi
Dễ dàng tìm lao động thời vụ
Dịp đầu năm, để chuẩn bị cho đơn hàng thủ công mỹ nghệ tăng đột biến xuất sang Nhật Bản, anh Lê Thành Trung – chủ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) tìm gấp 20 lao động thời vụ.
Qua “kênh” cũ từng thuê, chỉ trong 3 ngày anh Trung gom đủ số nhân công. Nhóm này chỉ khoảng 1/3 đã thạo việc vì anh từng thuê trước đó; số còn lại anh cầm tay chỉ việc thêm trong khoảng 2 ngày.
“Vì gấp nên tôi không thể đòi hỏi cao được, cũng may nhóm lao động này khá trẻ, sáng dạ nên chỉ bảo các bạn nhanh nắm được công việc”, anh Trung nói.
Lao động thời vụ làm việc tại xưởng của anh Lê Thành Trung. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo anh Trung, nhiều năm nay anh đã hàng chục lần thuê lao động thời vụ, đặc biệt là những khi nhận được đơn hàng gấp, số lượng lớn của đối tác. Cái khó duy nhất, theo anh Trung, là phải tìm được nhóm lao động có người đã nắm được công việc. “Thuê thợ nề, thợ xây còn dễ, thuê nhân công làm phụ các công đoạn hàng thủ công mỹ nghệ khó hơn nhiều”, anh Trung nói.
Cũng thường xuyên thuê lao động thời vụ, anh Chu Thế Sơn – giám đốc một công ty xây dựng dân dụng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, để tăng hiệu quả, chất lượng, công ty anh ngoài chủ động tuyển còn thuê qua bên thứ 3 để tuyển nhanh, tuyển đúng yêu cầu khi có nhu cầu về lao động thời vụ.
“Công ty tôi gần như nhận công trình ở đâu thì thuê lao động thời vụ ở đó, việc này giúp tiết kiệm chi phí nuôi quân cơ hữu, lại đỡ khoản đi lại, vận chuyển… Đương nhiên cái gì cũng có 2 mặt, thuê lao động thời vụ thì xác định phải tăng cường giám sát, chỉ bảo công việc chi tiết và bắt buộc có người quán xuyến toàn bộ quá trình lao động, sản xuất để đảm bảo an toàn lao động và các yêu cầu khác”, anh Chu Thế Sơn cho biết.
Những rủi ro
Trên thực tế, việc sử dụng lao động thời vụ giúp doanh nghiệp có sự linh hoạt về nhân sự, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh theo từng thời điểm. Lao động thời vụ cũng giúp thay thế tạm thời một số vị trí khi có nhân sự ốm đau, nghỉ việc… để doanh nghiệp không bị gián đoạn, ảnh hưởng công việc.
Bên cạnh đó, thuê lao động thời vụ cũng là một giải pháp tiết kiệm vì doanh nghiệp không phải trả chi phí cố định để duy trì nhân lực.
Tuy nhiên, việc thuê lao động thời vụ cũng có một số rủi ro.
Chị Trần Phương Hoa – chủ của một tiệm kinh doanh hoa quả tươi, bánh ngọt cao cấp tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận định, vì chỉ mang tính chất tạm thời nên việc tuyển dụng và sử dụng lao động thời vụ người thuê chấp nhận họ không thể toàn tâm toàn ý như lao động có giao kết hợp đồng. Nhóm lao động thời vụ cũng cần có thời gian được đào tạo, hướng dẫn để nắm được quy trình/yêu cầu công việc nên người thuê phải chấp nhận đào tạo lại.
“Đặc biệt, nếu phải sử dụng các loại máy móc hiện đại, đắt tiền hay thiết bị điện tử cần kỹ năng sử dụng, càng không nên để lao động thời vụ vận hành vì nếu có rủi ro, sự cố hỏng hóc xảy ra, người thuê phải chịu thiệt hại. Điều tôi lo ngại nhất nữa là các công thức làm bánh gia truyền hoặc bí quyết trong kinh doanh có thể bị ăn cắp. Đơn giản hơn, thông tin về các mối hàng, quan hệ làm ăn cũng dễ bị rò rỉ…”, chị Phương Hoa nói.
https://laodong.vn/cong-doan/duoc-va-mat-thi-truong-lao-dong-thoi-vu-1466498.ldo