Tiếp nhận nhiều đơn hàng mới, mở rộng sản xuất, nên nhiều công ty, doanh nghiệp tại Trà Vinh cần tuyển khoảng 4.000 lao động. Ảnh: Hoàng Lộc
Nhu cầu tuyển lao động tăng cao
Bà Bùi Thị Cẩm Tú - Giám đốc Quản lý Hành chính nhân sự Công ty TNHH Bo Hsing (KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - cho biết, từ đầu năm 2025 công ty tiếp nhận nhiều đơn hàng mới nên đã lên kế hoạch tuyển thêm 500 công nhân. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, số lượng lao động được tuyển dụng tại công ty chỉ đạt khoảng 50 người.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, theo ông Nguyễn Trường Hải - Giám đốc Quản trị và Phát triển Nguồn nhân lực Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (huyện Tiểu Cần), có kế hoạch tăng sản lượng, nên công ty cần tuyển thêm 800-1.000 lao động. Công ty Mỹ Phong sẵn sàng đào tạo ứng viên chưa có kinh nghiệm để xây dựng đội ngũ lao động ổn định, nhưng số lượng tuyển được chỉ khoảng 200 lao động.
Ở huyện Càng Long, Công ty TNHH New Increase (VN), chuyên may mặc đang cần tuyển thêm 200 công nhân có tay nghề để phục vụ cho đơn hàng mới. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Công đoàn công ty - cho hay, từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, công ty mới chỉ tuyển được chưa đầy 20 người, một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Thông tin từ ông Võ Tấn Khải - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, các công ty trong tỉnh cần tuyển khoảng 20.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Trịnh Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - chia sẻ, các công ty trong tỉnh cần tuyển 4.000 lao động. Tuy nhiên, số lao động được tuyển dụng đến nay mới chỉ đạt một phần nhỏ so với yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ công việc và phát triển của các doanh nghiệp.
Lao động chọn làm việc xa nhà với mức thu nhập hấp dẫn
Nhiều người lao động tại Vĩnh Long và Trà Vinh cho biết, các công ty ở địa phương khó tuyển đủ lao động do mức lương thấp hơn các thành phố lớn, dù có nhiều chính sách đãi ngộ hợp lý.
Anh Nguyễn Thanh Tâm (Vĩnh Long) cho biết, do mức lương tại các công ty ở Vĩnh Long chỉ dao động từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng nên anh đã quyết định làm việc tại TP Hồ Chí Minh với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thúy Loan (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) lại chọn làm việc gần nhà, dù mức lương thấp hơn 2-3 triệu đồng so với Bình Dương, để chăm sóc gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New Increase (VN) - chia sẻ, công ty gặp khó khăn trong tuyển lao động có tay nghề, nhưng sẽ mở rộng tuyển dụng lao động chưa có tay nghề để đào tạo trong thời gian tới.
Còn ông Lê Duy Khương - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Sản xuất Công nghiệp Lefaso Trà Vinh - cho biết, tình trạng thiếu lao động là do nhiều người chưa quay lại làm việc sau Tết, dự báo tình hình sẽ khả quan hơn vào tháng 2 âm lịch.
Để giải quyết vấn đề này, LĐLĐ tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với các địa phương nắm bắt số lao động còn lại ở quê, từ đó trực tiếp tư vấn và giới thiệu cơ hội việc làm tại các công ty trong tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng và tìm kiếm công việc phù hợp.
Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long thông tin, sắp tới sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi giao dịch việc làm, kết nối người lao động với những công ty đang có nhu cầu tuyển dụng.
https://laodong.vn/cong-doan/vinh-long-tra-vinh-thieu-lao-dong-doanh-nghiep-gap-kho-1466648.ldo