Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 04:46 28/03/2025 (GMT+7)
Người lao động Hải Phòng kiến nghị tăng lương tối thiểu 6-7%

Hải Phòng hiện có hơn 200.000 lao động tại các khu công nghiệp. Mặc dù thu nhập công nhân có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa bảo đảm mức sống của NLĐ.

Người lao động Hải Phòng kiến nghị tăng lương tối thiểu 6-7%
Thu nhập của công nhân các khu công nghiệp ở Hải Phòng vẫn chưa bảo đảm mức chi tiêu. Ảnh minh họa: Mai Dung

Thu nhập phụ thuộc vào tiền làm thêm giờ

Công ty TNHH Maple (KCN VSIP) hiện tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Hằng năm, công ty đều có khảo sát sự hài lòng của NLĐ về mức chi trả của công ty có bảo đảm mức chi tiêu hằng tháng của NLĐ. Qua 4 lần khảo sát, phần lớn NLĐ cho rằng, thu nhập hiện tại không đủ chi trả các khoản sinh hoạt của NLĐ.

Thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Qua khảo sát, với mức thu nhập này, những gia đình công nhân 2 vợ chồng, 2 con, thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng cũng chỉ tạm đủ chi tiêu hằng tháng, nếu cả nhà không ốm đau.

Do vậy, NLĐ lựa chọn tăng ca để tăng thu nhập. Có những tháng, NLĐ Maple phải tăng ca 70-80 tiếng, thu nhập có thể lên tới 20-25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hệ lụy của việc tăng ca nhiều là nguy cơ bệnh nghề nghiệp, tai nạn sau giờ làm việc, NLĐ phát sinh chi phí thuê người trông con, đưa đón con, chăm sóc bố mẹ già…

“NLĐ mong chờ chính sách tăng lương của nhà nước cũng như của công ty, ít nhất 1 năm/lần mức khoảng 7%, tuy không nhiều nhưng là cách để động viên tinh thần cho NLĐ” - bà Bùi Hồng Liên - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Maple - cho hay.

Tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), theo ông Đào Xuân Thu - Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, doanh nghiệp hiện đang chi lương tối thiểu cao hơn 7%, là 5.980.000 đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của NLĐ là 11 triệu đồng/tháng. Nếu chi trả theo lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp rất khó để tuyển lao động. Thực tế cho thấy, tiền lương phải từ 6 triệu đồng trở lên mới có thể tuyển dụng lao động. Thu nhập bảo đảm 8-10 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp mới giữ chân được NLĐ.

“Công nhân trẻ, mới đi làm có thể chấp nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng với NLĐ có gia đình thì khoản này không đủ sống. Mức tăng lương hằng năm phải 10% mới tăng được chất lượng cuộc sống NLĐ, còn nếu tăng khoảng 5-6% thì chỉ bù được các khoản trượt giá”- ông Thu cho hay.

Nhiều người lao động phải làm thêm giờ

Theo báo cáo chế độ chính sách năm 2025 của các công đoàn cơ sở, Khu kinh tế Hải Phòng có 92,4% doanh nghiệp áp dụng tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (14,7%) với mức bình quân 5.698.000 đồng. Thu nhập bình quân của công nhân lao động trực tiếp là 8.441.300 đồng/người/tháng, trong đó lương tối thiểu chiếm 61,7%.

“Điều này cho thấy, lương tối thiểu là một phần quan trọng trong thu nhập của NLĐ, tuy nhiên, các khoản phụ cấp, làm thêm giờ, thưởng cũng đóng vai trò đáng kể trong việc nâng cao thu nhập của NLĐ” - ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT - cho biết.

Thu nhập của NLĐ tại các KCN, KKT Hải Phòng có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên, mức tăng còn chậm so với tốc độ tăng của giá cả và chi phí sinh hoạt. Mức thu nhập của NLĐ hiện nay mới tạm đủ để trang trải cuộc sống, tích lũy cho tương lai không đáng kể (làm thêm giờ, tích lũy 19,8 triệu đồng/năm; không làm thêm giờ, tích lũy 500.000 đồng/năm). Do đó để đảm bảo mức sống và có tích lũy, nhiều người lao động phải làm thêm giờ, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình.

Tại hội nghị lấy ý kiến của CNVCLĐ về áp dụng mức lương tối thiểu vùng, LĐLĐ TP Hải Phòng tổng hợp các ý kiến, thống nhất đề xuất tăng lương 6-7%. Cùng với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công đoàn KKT Hải Phòng, Công đoàn Khu chỉ đạo các CĐCS chủ động tập hợp, lấy ý kiến về nhu cầu, lợi ích của đoàn viên. Từ đó xây dựng kế hoạch và tiến hành các bước thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật, mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho NLĐ.

Cùng với đó, các cấp công đoàn, đại diện doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng kiến nghị, đề xuất Nhà nước có biện pháp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, có chính sách hỗ trợ phúc lợi như giáo dục, y tế... để giảm chi phí tiêu dùng của NLĐ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh để bảo đảm việc làm, thu nhập ngày càng tốt hơn cho NLĐ.

https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-hai-phong-kien-nghi-tang-luong-toi-thieu-6-7-1483216.ldo

Mai Dung (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: