Liên tục có nhiều sáng kiến
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG trải rộng trên hầu hết các địa bàn, cụm công nghiệp trong tỉnh Thái Nguyên, đòi hỏi công tác quản lý phải nhanh, chuyên nghiệp, thường xuyên cập nhật được tình trạng làm việc của máy móc thiết bị phục vụ sản xuất… Với quyền hạn, nhiệm vụ được giao là quản lý, bảo trì, sửa chữa, xử lý sự cố máy móc, thiết bị và công tác an toàn lao động, anh Mạnh luôn trăn trở về việc làm sao để hoạt động sản xuất của công ty luôn ổn định, phát triển.
Với nỗ lực của bản thân, từ năm 2019 đến năm 2022 anh Mạnh đã trở thành “cây sáng kiến” ở công ty - với 6 sáng kiến được lãnh đạo công ty áp dụng vào hoạt động sản xuất, đem lại giá trị làm lợi hơn 2,735 tỉ đồng (tính cho năm đầu tiên và chưa tính đến các giá trị về quản lý, an toàn).
Trong đó, năm 2019, anh đã có sáng kiến “Hệ thống tự động đóng/cắt tụ bù - trạm biến áp”. Sáng kiến của anh Mạnh có khả năng áp dụng rộng rãi tại tất cả các trạm biến áp của công ty; an toàn trong công tác quản lý, vận hành; giảm tần suất tiếp xúc trực tiếp với phần tử mang điện áp cao của cán bộ quản lý, nhân viên vận hành trong quá trình làm việc; trung bình mỗi vị trí áp dụng sáng kiến, tiết kiệm khoảng hơn 30.000.000 đồng/vị trí trạm/năm. Công ty có 17 trạm biến áp, qua đó tiết kiệm cho công ty khoảng 510.000.000 đồng/năm…
Đặc biệt, trong năm 2022, anh Mạnh đã có 4 sáng kiến, phương án được áp dụng tại công ty, làm lợi khoảng 2 tỉ đồng. Trong đó có phương án vận hành cấp nguồn độc lập cho các khu vực phụ tải từ máy phát điện và tủ trung thế (22KV) các máy biến áp.
Phương án của anh Mạnh đã tiết kiệm chi phí phải vận hành bằng máy phát điện vì sử dụng nguồn mạch vòng trung thế 22KV, cấp điện độc lập cho các máy biến áp; giảm chi phí đầu tư nhiều máy phát điện; vận hành đơn giản, an toàn trong công tác quản lý - vận hành; tiết kiệm chi phí đầu tư máy phát điện, giảm chi phí dầu máy phát điện bằng việc sử dụng nguồn mạch vòng và cấp điện độc lập phía trung thế (22KV) cho các máy biến áp. Tiết kiệm chi phí khoảng 1.200.000.000 đồng…
Với những sáng kiến được áp dụng, anh Mạnh đã được lãnh đạo công ty thưởng hơn 127 triệu đồng.
Người lao động phải có đam mê với nghề
Chia sẻ với phóng viên, anh Mạnh cho rằng, thi đua yêu nước là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cán bộ, công nhân viên lao động. Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn và lãnh đạo công ty phát động là môi trường tốt để người lao động được tôi luyện, trưởng thành; phát huy quyền làm chủ, sự năng động và sáng tạo của mỗi người; mỗi sáng kiến mới, việc làm tốt đều được xã hội trân trọng tôn vinh…
Theo anh Mạnh, mức khen thưởng (giá trị tiền mặt) và sự động viên tinh thần của lãnh đạo và công đoàn cũng là nguồn động viên rất lớn đối với mỗi người lao động.
“Tuy nhiên, trước hết, đối với tôi, sáng kiến, sáng tạo là đam mê nhưng cũng là trách nhiệm của người lao động, của đoàn viên công đoàn. Để có được sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, đầu tiên người lao động phải có đam mê với nghề, với công việc; cùng với đó là bám sát vào các công đoạn sản xuất của đơn vị, nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn của người lao động, của công đoạn sản xuất… để đưa ra những giải pháp dù là nhỏ nhất...