AI chỉ thay thế công việc của người không biết sử dụng nó
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục một cách nhanh nhất.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đề nghị có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục nhanh nhất. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 10.2, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã đưa ra một ví von thú vị: "Bình dân hóa" trí tuệ nhân tạo (AI), hay "bình dân AI", tương tự như phong trào "bình dân học vụ" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong những năm tháng đất nước còn khó khăn.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một cách nói mang tính hình tượng, bởi không dễ dàng để đưa AI vào giảng dạy ngay từ lớp 1 hay phát động phong trào học AI kiểu “bình dân học vụ” như xưa.
Tuy nhiên, thông điệp mà ông Bình muốn truyền tải lại vô cùng cấp thiết: trong bối cảnh hiện nay, không còn cách nào khác ngoài việc người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, phải tiếp cận, học hỏi và ứng dụng AI vào công việc cũng như cuộc sống.
Nếu không, họ sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu, bị đào thải khỏi thị trường lao động.
Thực tế đã cho thấy, ngay cả những ngành nghề từng được xem là "bất khả xâm phạm" như công nghệ thông tin (IT) cũng đang chịu tác động mạnh mẽ từ AI.
Làn sóng cắt giảm nhân sự IT đang lan rộng, trong khi ở chiều ngược lại, hàng chục nghìn vị trí kỹ sư AI tại các doanh nghiệp vẫn đang để trống vì thiếu nhân lực phù hợp.
Điều này phản ánh một nghịch lý đáng báo động: nhân lực truyền thống bị thay thế, nhưng nhân lực AI lại không đủ để lấp đầy khoảng trống của thị trường.
Vậy làm sao để không bị tụt hậu? Làm sao để biến AI thành một cánh tay đắc lực thay vì một mối đe dọa? Câu trả lời nằm ở chiến lược phát triển AI toàn diện của quốc gia.
Trước hết, cần phải có vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc định hướng và chỉ đạo. AI không phải chỉ là câu chuyện của các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là vấn đề chiến lược quốc gia.
Để AI thực sự phát huy hiệu quả, cần có một kế hoạch tổng thể từ xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao trong các trường đại học, đến việc thiết lập một khung pháp lý rõ ràng cho sự phát triển và ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, một tư duy cởi mở và linh hoạt từ doanh nghiệp và cá nhân cũng là điều không thể thiếu.
Doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc đầu tư vào công nghệ và đào tạo lại nhân sự để thích nghi với kỷ nguyên AI.
Còn mỗi cá nhân, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng cần thay đổi tư duy, trang bị cho mình kỹ năng mới để không bị tụt lại phía sau.
Cuộc cách mạng công nghệ với sự bùng nổ của AI đang mang lại những cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề, từ giáo dục, y tế đến tài chính, sản xuất.
Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những cơ hội ấy có thể biến thành thách thức.
AI sẽ không thay thế con người, mà chỉ thay thế những ai không biết cách sử dụng nó!
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ai-chi-thay-the-cong-viec-cua-nguoi-khong-biet-su-dung-no-1461656.ldo
HOÀNG VĂN MINH (BÁO LAO ĐỘNG)