Thời sự
Cập nhật lúc 08:29 15/01/2025 (GMT+7)
Bộ Nội vụ xin ý kiến về tổ chức chính quyền địa phương

Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ liên quan đến xử lý vướng mắc giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các luật chuyên ngành.

 

Bộ Nội vụ xin ý kiến về tổ chức chính quyền địa phương
Dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phâp quyền, phân cấp và ủy quyền. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tại hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm.

Trong đó, Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ liên quan đến xử lý vướng mắc giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các luật chuyên ngành khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.

Dự thảo luật đã quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhận định, tại các luật chuyên ngành hiện nay có nhiều quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền quy định trong dự thảo luật.

Rà soát sơ bộ cho thấy 142 luật quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền (HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó có những việc quy định cả 3 cấp hoặc 2 cấp cùng thực hiện, có sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo luật quy định giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, quyền hạn của chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc phân cấp theo hướng cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phân cấp.

Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã đảm bảo các điều kiện thực hiện.

Các cơ quan chủ động phân cấp trong tổ chức thực hiện dựa trên nguyên tắc mới về phân cấp được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trước đó, như Lao Động đưa tin, cũng tại hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ Nội vụ nhấn mạnh quan điểm, việc ban hành luật nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Trong lần sửa đổi này, mô hình chính quyền địa phương được thiết kế theo hướng “kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian”, đồng thời phát huy những kết quả tích cực của chính quyền đô thị thời gian qua.

Bộ Nội vụ đã xin ý kiến Chính phủ về mô hình chính quyền địa phương được đưa ra tại dự thảo luật.

https://laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-xin-y-kien-ve-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-1449950.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: