Chính sách trọng dụng nhân tài tạo cơ hội phát triển bền vững
Nghị định số 179/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, đặt người giỏi vào đúng vị trí, trao quyền để họ phát huy tối đa năng lực.
Nhiều chính sách kịp thời
Chảy máu chất xám, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao,.. Đây là những bài toán nan giải, đặc biệt là trong bối cảnh sự chênh lệch thu nhập giữa khu vực công và tư nhân ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân sự xuất sắc, trong khi đó khu vực công phải bám sát quy định nên gặp khó khi cạnh tranh với khu vực tư.
Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 (Nghị định 179) của Chính phủ quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ra đời với nhiều điểm mới trong các chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, cơ chế tiền lương, thưởng, thu nhập tăng thêm dành cho người tài ở khu vực công.... Do đó, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, đặt người giỏi vào đúng vị trí, trao quyền để họ phát huy tối đa năng lực.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, Nghị định 179 là quyết sách kịp thời của Chính Phủ nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài trong bối cảnh hệ thống chính trị đang được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, cơ chế thông thoáng để những cá nhân xuất sắc phát huy tối đa năng lực, đóng góp cho sự phát triển quốc gia mà không phân biệt lĩnh vực, không phân biệt đảng viên hay không đảng viên miễn là có động cơ trong sáng, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Tài năng trẻ nói riêng hay người tài nói chung chỉ thực sự phô diễn hết sở trường, cống hiến hết mình khi họ cảm thấy được trân trọng, có được môi trường làm việc lành mạnh, đề cao sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt. Có như vậy, đất nước mới có thể tận dụng được nguồn lực con người và tài nguyên trí tuệ để có những bước đột phá, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - PGS.TS Trương Ngọc Kiểm nhấn mạnh.
Thu nhập không phải yếu tố duy nhất giữ chân người tài
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính lại cho rằng, thu hút người tài không chỉ là câu chuyện lương bổng, mà quan trọng hơn là môi trường làm việc.
Ông Thịnh ví von, nhân tài giống như những hạt giống cần được gieo vào mảnh đất màu mỡ để phát triển, chứ không thể bị gò bó trong một môi trường cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Do đó, một chính sách thu hút nhân tài hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc mời gọi mà còn phải tạo ra điều kiện để họ có thể tỏa sáng, được ghi nhận và phát huy năng lực một cách xứng đáng.
“Nếu nhân tài được trọng dụng, được làm việc trong một hệ sinh thái khuyến khích sáng tạo, họ sẽ có động lực để cống hiến lâu dài” - ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cho rằng, đối với các khu vực công, để thu hút và phát huy được người tài thì đòi hỏi sự đồng bộ trong chính sách từ đào tạo, bồi dưỡng, cơ hội phát triển, chế độ làm việc, cơ chế trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng… Khác với đơn vị sự nghiệp công lập, khu vực hành chính công đòi hỏi nhân tài không chỉ có chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm thực tế và kỹ năng quản lý.
“Muốn có nhà quản lý xuất sắc, không thể chỉ dựa vào đào tạo trên giảng đường mà phải tạo cơ hội để họ được rèn luyện qua thực tiễn nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng, vốn sống, tầm nhìn từ đó xây dựng lộ trình, cơ chế bố trí, sử dụng phù hợp với thế mạnh, năng lực, sở trường của từng người. Có như thế, chúng ta mới có thể thu hút, phát huy, trọng dụng nhân tài một cách bền vững” - PGS. Kiểm phân tích thêm.
https://laodong.vn/xa-hoi/chinh-sach-trong-dung-nhan-tai-tao-co-hoi-phat-trien-ben-vung-1450230.ldo
Tường Vân (BÁO LAO ĐỘNG)