Thời sự
Cập nhật lúc 08:47 08/05/2025 (GMT+7)
Buộc thôi việc với công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), công chức 2 năm liên tiếp được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc.

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận. Nội dung cơ bản của dự án Luật tập trung vào các vấn đề, như quy định về liên thông cán bộ; quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả...

Tại khoản 2, điều 31 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) về xếp loại đánh giá công chức quy định rõ việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đó, công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điểm b, khoản 2, điều 31 nêu rõ, công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.

Kết quả xếp loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.

sss
Quốc hội thảo luận về Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Quochoi

Về nội dung đánh giá, điều 30, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định, công chức được đánh giá theo các nội dung, gồm:

Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Đạo đức, văn hóa thực thi công vụ. Trường hợp trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp thì cần đánh giá thái độ phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp;

Năng lực, trách nhiệm và khả năng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm;

Kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài những nội dung trên còn được đánh giá theo các nội dung, gồm:

Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý theo kế hoạch làm việc;

Năng lực tập hợp, đoàn kết;

Tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Dự án Luật cũng nhấn mạnh, công tác đánh giá phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Quochoi
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Quochoi

Liên quan vấn đề trên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (UBPLTP) - cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm.

Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.

UBPLTP cũng cho hay, có ý kiến đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.

Đồng thời, UBPLTP nhận thấy việc quy định cụ thể thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như trong dự thảo Luật là cần thiết, vì thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, làm cơ sở cho việc xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, UBTPPL đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng.

https://laodong.vn/thoi-su/buoc-thoi-viec-voi-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-2-nam-lien-tiep-1502955.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: