Buôn Đôn kết nối doanh nghiệp về tận buôn làng tuyển dụng lao động
Đắk Lắk - Thời gian qua, các doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ ở huyện Buôn Đôn.
Huyện Buôn Đôn đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Bảo Lâm
Hơn 1.000 lao động được giải quyết việc làm
Huyện Buôn Đôn, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, lâu nay đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Phương thức canh tác còn lạc hậu, ít ứng dụng khoa học kỹ thuật, dẫn đến năng suất thấp, thu nhập bấp bênh.
Trước thực trạng đó, giải quyết việc làm đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong chiến lược giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương.
Đại diện doanh nghiệp tư nhân về các xã biên giới để tìm kiếm lao động. Ảnh: Bảo Lâm
Nhằm cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Buôn Đôn đã tích cực triển khai Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các giải pháp đồng bộ như tổ chức đào tạo nghề, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả và đặc biệt là kết nối thị trường lao động đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên là 40.326 người. Trong đó, thời gian qua đã có khoảng 1.181 người được giải quyết việc làm, một con số tuy chưa cao, nhưng là tín hiệu tích cực cho những chuyển biến trong nhận thức và hành động của chính quyền và người dân địa phương.
Tư vấn, định hướng thông tin thị trường cho lao động miền núi. Ảnh: Bảo Lâm
Chính quyền huyện, các xã, cùng các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã đóng vai trò làm cầu nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Các hoạt động tuyên truyền, vận động giúp người lao động từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từng bước chủ động học nghề, tìm việc làm, nâng cao năng lực bản thân.
Quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân
Trong tổng số 17.716 hộ dân với hơn 74.000 nhân khẩu toàn huyện, hiện còn hơn 5.300 hộ nghèo, chiếm gần 30%. Trong đó, phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tạo ra các cơ hội việc làm ổn định, phù hợp với trình độ và đặc thù địa phương.
Cán bộ thôn, xã có vai trò trong việc động viên, hướng dẫn người lao động chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp. Ảnh: Bảo Lâm
Theo dữ liệu từ Chi cục Thuế khu vực Cư M’gar - Buôn Đôn, trên địa bàn huyện có khoảng 1.535 hộ kinh doanh, 121 doanh nghiệp và 30 hợp tác xã đang hoạt động.
Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân còn khiêm tốn, nhưng đây chính là lực lượng quan trọng trong việc khơi thông thị trường lao động tại chỗ. Huyện đang tích cực phối hợp để các nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp này được phủ sóng đến tận các buôn làng.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm, cùng cán bộ đoàn thể xuống tận nơi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký học nghề ngắn hạn, tham gia vào các công việc thời vụ và phổ thông tại các nhà máy, xí nghiệp.
Dù ban đầu còn bỡ ngỡ với môi trường làm việc công nghiệp, song dưới sự hỗ trợ của các cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, người lao động đang dần thích nghi và ổn định công việc.
Ngân hàng chính sách đồng hành hỗ trợ nguồn vốn cho lao động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Bảo Lâm
Ông Nguyễn Hữu Truyền - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn - khẳng định: “Giải quyết việc làm không chỉ là câu chuyện trước mắt, mà là chiến lược lâu dài để huyện Buôn Đôn nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số".
"Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và quyết tâm vươn lên của người lao động, hy vọng rằng Buôn Đôn sẽ dần thoát khỏi danh sách huyện nghèo, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai gần” - ông Nguyễn Hữu Truyền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn, cho biết thêm.
https://laodong.vn/xa-hoi/buon-don-ket-noi-doanh-nghiep-ve-tan-buon-lang-tuyen-dung-lao-dong-1510232.ldo
BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)