Thời sự
Cập nhật lúc 01:38 17/01/2025 (GMT+7)
Các chuyên gia chỉ ra “con đường xanh” cho Hà Nội

Hà Nội đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng không khí nghiêm trọng nhưng không phải tất cả cánh cửa đều đã đóng lại. Những giải pháp từ chuyên gia đang vạch ra con đường để Thủ đô bước vào hành trình xanh hóa bền vững.

Các chuyên gia chỉ ra “con đường xanh” cho Hà Nội
Hà Nội cần kiểm soát nghiêm nghặt nguồn rác thải. Ảnh: Thùy Dương

“Thủ phạm là phương tiện giao thông chạy bằng xăng dầu”

Hà Nội đang đối mặt với khủng hoảng không khí nghiêm trọng cùng với hệ lụy về nhiều mặt. TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - chỉ ra những nghiên cứu đáng lo ngại cho thấy, ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và tỉ lệ đột quỵ. "Phụ nữ sống trong khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con tự kỷ cao gấp 2 lần so với bình thường. Ô nhiễm không khí cũng được cho là liên quan đến sự giảm chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới” - ông lên tiếng.

Về nguyên nhân, TS Hoàng Dương Tùng khẳng định, thủ phạm gây ô nhiễm chính là các phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu, với hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ôtô động cơ đốt trong ngày đêm nhả khói.

Điều kiện thời tiết mùa đông như gió lặng và trời nồm cũng khiến các hạt bụi mịn luẩn quẩn trong không khí, không thể khuếch tán. Đây là lý do Hà Nội thường xuyên bị bao phủ bởi một lớp sương bụi dày đặc, đặc biệt vào buổi sáng sớm và giờ cao điểm.

Đi từ gốc rễ vấn đề

Để giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, các chuyên gia nhấn mạnh vào sự cần thiết của các chính sách đồng bộ và dài hạn. Một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất là giảm thiểu khí thải từ giao thông.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - khuyến nghị: “Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt điện và đường sắt đô thị. Việc hạn chế xe xăng dầu tại khu vực trung tâm và cung cấp ưu đãi cho người dân sử dụng phương tiện xanh sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gợi ý rằng chính quyền cần kéo dài chính sách miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, đồng thời nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. “Đây không chỉ là biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mà còn là động lực để xây dựng một nền kinh tế xanh hơn” - bà nhận định.

Ngoài giao thông, việc quản lý chặt chẽ các hoạt động xây dựng và xử lý rác thải cũng rất quan trọng. Trong đó, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh sự cần thiết của việc cấm hoàn toàn hành vi đốt rác tự phát tại các vùng ven đô, đồng thời xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại hơn.

Học từ các quốc gia tiên tiến

Nhiều quốc gia đã thành công trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí nhờ vào các chính sách mạnh mẽ. Na Uy, ví dụ đã miễn thuế cho xe điện và đầu tư lớn vào hạ tầng trạm sạc, giúp người dân dễ dàng chuyển đổi phương tiện. Tại Đức, chính phủ hỗ trợ tài chính trực tiếp lên tới 2.000EUR cho mỗi người dân mua xe xanh.

TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV còn nhắc đến mô hình của Singapore, nơi áp dụng công nghệ cao để giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực. “Hà Nội có thể học hỏi cách họ triển khai các công cụ giám sát này, từ đó đưa ra các chính sách kịp thời” - ông gợi ý.

Hà Nội không thể thay đổi ngay lập tức, nhưng từng bước đi đúng hướng sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Từ chính sách hỗ trợ giao thông xanh, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn phát thải đến thay đổi ý thức cộng đồng, tất cả cần được thực hiện đồng bộ.

Như TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: “Mỗi hành động hôm nay sẽ quyết định diện mạo của Hà Nội ngày mai. Hành trình xây dựng một thành phố xanh, sạch và đáng sống cần sự tham gia của tất cả chúng ta”.

https://laodong.vn/xa-hoi/cac-chuyen-gia-chi-ra-con-duong-xanh-cho-ha-noi-1451115.ldo

Khánh Nhiên (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: