Tiềm năng của nông sản chế biến
Tham gia Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 vừa tổ chức tại TP Cần Thơ với tham luận liên quan đến việc đẩy mạnh chế biến nông sản xuất khẩu, ông Tô Thái Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh - cho biết, giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản Việt hiện vẫn còn thấp, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu. Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn hạn chế tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm nông sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam như nước trái cây, trái cây tươi, trái cây sấy và đồ hộp ngày càng được người tiêu dùng tại Mỹ và Châu Âu đón nhận.
Các doanh nghiệp không ngừng nâng cao công nghệ chế biến, cải thiện mẫu mã bao bì và áp dụng các chứng nhận quốc tế như HACCP, GlobalGAP và FDA đã góp phần giúp nông sản chế biến Việt Nam tạo được sự tin cậy từ khách hàng quốc tế.
Trao đổi với Lao Động, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - nhận định, những tiến bộ kỹ thuật về chế biến, tồn trữ nông sản có vai trò quan trọng để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thời gian gần đây, tiến bộ kỹ thuật về chế biến trái cây đông lạnh đã tạo ra cơ hội lớn cho việc tiêu thụ các nông sản có giá trị, vừa kéo dài thời gian bán hàng vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển.
“Chúng ta có thể tăng cường khâu bảo quản, chế biến, kiểm tra chất lượng, làm chủ hàng hóa ngay từ khâu đầu tiên. Từ đó, chất lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tương lai, nhất là những mặt hàng có giá trị cao nhưng dễ hỏng như trái cây, thủy sản, chăn nuôi sẽ tăng lên đáng kể”, TS Đặng Kim Sơn nói.
Đầu tư công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu
Để nắm bắt cơ hội từ các kỹ thuật chế biến, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, TS Đặng Kim Sơn gợi mở, doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi giá trị. Người nông dân phải hình thành vùng nguyên liệu, gắn với các cơ sở chế biến, tận dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt của đông lạnh để tiến vào thị trường mới, giá trị cao và khó tính.
Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Thành đề xuất, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các doanh nghiệp cần đầu tư kiện toàn và nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có; nâng cấp công nghệ đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống kho bảo quản đáp ứng yêu cầu cho chuỗi cung ứng; bảo đảm duy trì chất lượng sản phẩm từ khâu thu hoạch đến tiêu thụ.
Công tác xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn như GlobalGAP và nông nghiệp hữu cơ cũng nên được quan tâm. Khi áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này, vùng nguyên liệu không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mà còn gia tăng uy tín, khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội lớn để thâm nhập và phát triển tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm.
https://laodong.vn/kinh-doanh/che-bien-sau-don-bay-cho-xuat-khau-nong-san-viet-1438719.ldo