Ghi danh đủ lớp học
Đỗ Trung Nghĩa (Thanh Trì, Hà Nội) chậm tốt nghiệp Ngành Luật kinh tế - Đại học Lao động xã hội do thiếu 1 môn. Thay vì tốt nghiệp cuối năm 2024, dự kiến tháng 7.2025, Nghĩa mới lấy được bằng tốt nghiệp đại học.
Tham khảo anh em bạn bè đi trước, Nghĩa quyết định bổ sung các kỹ năng còn thiếu, yếu.
“Em mua giáo trình tin học văn phòng để tự luyện lại các kỹ năng cơ bản về soạn thảo văn bản. Đặc biệt, em đăng ký khóa học IELTS để nâng cao trình độ tiếng Anh. Em đăng ký học 2 khóa, thời gian khoảng 4 tháng, tổng học phí hơn 43 triệu đồng” - Nghĩa cho hay.
Chia sẻ thêm về lý do đi học những môn học, kỹ năng mềm mà nhiều bạn bè đã thuần thục ngay khi tốt nghiệp, Nghĩa cho biết, em không chú tâm thực sự cho việc học. Đến năm thứ 3, khi được người quen liên hệ cho đi thực tập tại một văn phòng luật, khi được sai soạn thảo văn bản, hợp đồng… Nghĩa mới thấy khó khăn.
“Em bắt đầu lại từ thể thức văn bản, lỗi chính tả, những từ tiếng Anh thương mại đơn thuần… Em thấy ân hận vì đã không học tập nghiêm túc” - Nghĩa nói.
Tốt nghiệp Chuyên ngành Kỹ thuật sinh học - Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng Ngọc Hưng trúng tuyển vào một doanh nghiệp FDI. Công việc mơ ước với thu nhập cao nhưng khó khăn xuất hiện ngay khi Hưng đi làm tuần đầu tiên.
“Em yếu nhất kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Hồi còn đi học, em có tham gia nghiên cứu khoa học cùng các bạn nhưng đặc thù khác hoàn toàn so với làm việc nhóm khi đi làm. Nhóm của em ở nhiều bộ phận và công việc mỗi người đảm đương là độc lập nhau. Mọi người chỉ ráp nối mảng công việc của mình vào công việc chung. Trong khi đó, nhóm sinh viên của em là cả nhóm cùng triển khai chung 1 công việc, nếu có phân chia nhiệm vụ cũng không quá khu biệt nhau.
Đặc biệt, em là dân kỹ thuật, hướng nội nên em rất khó khăn trong giao tiếp. Khi tham dự cuộc họp có đủ thành phần từ các doanh nghiệp thành viên, em thấy bị động và rất lúng túng khi phát biểu dù kiến thức có sẵn trong đầu”, Hưng nói.
Ngay lập tức, Hưng đăng ký khóa học kỹ năng mềm. “Em sẽ tranh thủ học trong 6 tháng, mỗi tuần 3 buổi tối. Học phí không rẻ vì em học lớp do chuyên gia nhân sự nổi tiếng đứng lớp”, Hưng chia sẻ.
Nhiều người trẻ thiếu kỹ năng mềm
Hiện nhiều trường đại học thường chú trọng giáo dục kiến thức nhưng năng lực để hoàn thành công việc, lao động trẻ, sinh viên mới ra trường thường phải học sau khi trực tiếp đi làm.
Khảo sát của tổ chức nghiên cứu và thay đổi xã hội vùng Love Frankie và Công ty nghiên cứu Indochina Research Ltd thực hiện tháng 4.2024 cho thấy, nhiều người trẻ Việt Nam thiếu kỹ năng quan trọng như giao tiếp, sáng tạo, làm việc nhóm…
Theo khảo sát, giáo dục chính quy dường như chưa cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ và cần thiết cho người trẻ để có thể được tuyển dụng. Khi được hỏi về 3 kỹ năng quan trọng nhất khi đi làm, những người tham gia khảo sát đã chọn kỹ năng giao tiếp (78%), cùng các kỹ năng mềm khác như sáng tạo (48%), làm việc nhóm (35%), quản lí thời gian (21%), tư duy phân tích (21%) và kỹ năng liên nhân, tức khả năng làm việc tốt với những người khác (21%).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, trên 29,3% số thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
Tuy nhiên, một số hạn chế, thách thức đối với lao động trẻ hiện nay là một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, bình quân trong 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Thiếu kỹ năng mềm là vấn đề mà nhiều nhà tuyển dụng nêu ra trong các hội chợ việc làm. Họ cho rằng thanh niên Việt Nam hiện nay có kiến thức, chuyên môn nhưng những thứ đó chỉ quyết định 25% thành công, 75% còn lại do các kỹ năng mềm quyết định.