Ở chương 1 của cuốn sách "Sự xuất hiện của xe tăng, thiết giáp ở Việt Nam", tác giả nêu bật xe tăng đã xuất hiện cùng với đội quân viễn chinh của Pháp, cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại khác.
Những chiếc xe tăng đầu tiên của Pháp ở Đông Dương là một trung đội gồm 5 chiếc Renault FT-17 của Tiểu đoàn xe tăng hạng nhẹ 6 (16 Bataillon de Chars Légers) do đại úy de Cuverville chỉ huy được đưa sang thử nghiệm ở Bắc kỳ vào tháng 12.1919. Đây là loại xe do hãng xe Renault chế tạo.
Cũng với cách mô tả chi tiết và giàu thông tin như trên, tác giả giới thiệu lực lượng thiết giáp Pháp, Mỹ đã đưa đến Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh, vai trò trong những chiến dịch lớn. Tuy Quân đội Việt Nam đã thu được một số xe tăng chiến lợi phẩm, nhưng phải đến ngày 5.10.1959, trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam mới được thành lập với trang bị là 100 xe tăng kiểu T-34 và pháo tự hành CY-76 do Liên Xô viện trợ.
Mặc dù bước vào chiến đấu khá muộn (tháng 2.1968), song bộ đội Tăng Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Chương 2 - "Sự ra đời và trưởng thành, lớn mạnh của Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam". Đoàn cán bộ đầu tiên đi học về xe tăng ở Trung Quốc gồm 36 cán bộ từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn, do thiếu tá Đào Huy Vũ làm Trưởng đoàn. Đây là những cán bộ được đào tạo dài hạn về chỉ huy Tăng Thiết giáp đủ làm khung cán bộ quân sự cho một trung đoàn xe tăng.
Chương này giới thiệu chi tiết những thử thách kể từ ngày đầu thành lập, cho đến quá trình vào miền Nam làm nhiệm vụ khi chưa thể đưa xe tăng vào. Với lòng quyết tâm “Xe chưa đi được thì đưa người vào trước, vừa chuẩn bị chiến trường vừa lấy xe địch đánh địch”, các chiến sĩ đã thực sự làm được điều đó.
Chương 3 - “Đã ra quân là thắng”. Chương này tái hiện cụ thể những trận chiến của lực lượng Tăng thiết giáp, trong đó nổi bật là thời gian làm nhiệm vụ hỗ trợ Lào, trận đối đầu giữa lính xe tăng Mỹ đấu với lính xe tăng Quân Giải phóng tại Tiền đồn Bến Hét nằm ở phía tây bắc Kon Tum, cách Đắk Tô 13km về hướng Tây Bắc, gần giáp ranh Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, còn được gọi là cứ điểm Plei Kần.
Chương 4 - "Xe tăng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào". Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là chiến dịch phản công của Quân Giải phóng nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 do Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng hòa tiến hành. Đây cũng là chiến dịch có xe tăng tham gia với lực lượng vượt trội so với Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh: 3 tiểu đoàn với 88 xe tăng.
Chương này mô tả kế hoạch chi tiết cùng lực lượng của Mỹ và đối sách của Việt Nam, trận tiến công điểm cao 543, trận tiến công điểm cao 550 - Xóa sổ lữ đoàn thủy quân lục chiến 147.
Chương 5 - "Vượt qua mưa bom bão đạn đưa xe tăng vào các chiến trường". Chương này tái hiện kỳ tích xe tăng vượt Trường Sơn vào miền Nam, bất kể sự ngăn trở quyết liệt của Mỹ, những trở ngại về mặt kỹ thuật, cách khắc phục của ta, khi đưa xe tăng qua nhiều địa hình tưởng chừng bất khả bằng những giải pháp phi thường.
Chương 6 - "Xe tăng trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972". Chương này mô tả sự tham gia của xe tăng như: Tăng Thiết giáp trong Chiến dịch Nguyễn Huệ tại Đông Nam bộ (B2), xe tăng thiết giáp trên chiến trường Tây Nguyên.
Ở chương 7 - "Xe tăng trong mùa Xuân đại thắng 1975": Xe tăng trong chiến dịch Tây Nguyên, xe tăng trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cuộc hành quân thần tốc vào phía Nam, chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, các hướng tiến quân vào Sài Gòn và giờ phút lịch sử khi xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.
Chương này mô tả tỉ mỉ các lực lượng, các nhân vật quan trọng, các diễn tiến của từng đơn vị, có giá trị tra cứu, tham khảo cao.
Ở chương 8 - "Xe tăng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế" nói về sự đóng góp của xe tăng trong lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Xe tăng tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Riêng với tỉnh Quảng Ninh, ngoài nhiệm vụ bảo vệ phần lãnh thổ trên đất liền thì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và cũng vô cùng khó khăn, phức tạp là bảo vệ vững chắc tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Nhiệm vụ đó được giao cho Sư đoàn 242 thuộc Đặc khu Quảng Ninh.
Xe tăng được đưa ra giữ quần đảo Trường Sa, những sáng kiến để xe tăng hoạt động được ở môi trường khí hậu biển khắc nghiệt.
Tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nguyên là chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Ông cũng là tác giả 2 cuốn: "Bút ký lính tăng - Hành trình đến sách dinh Độc Lập", "1 chọi 10 - Trận đấu tăng bi tráng".
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-trang-su-hao-hung-cua-bo-doi-tang-thiet-giap-1438373.ldo