Chính sách tiền tệ linh hoạt giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng
Dù đối mặt nhiều sức ép từ bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp kinh tế tăng trưởng tích cực, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà - người phát ngôn mới của Ngân hàng Nhà nước từ 1.7.2025 - đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý II, ngày 8.7. Ảnh: Hoàng Giáp
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giữ mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tín dụng tăng mạnh
Trong nửa đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, từ đó hỗ trợ nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo sát sao, các TCTD đã tích cực tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giảm lãi suất cho vay. Nhờ đó, lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đã giảm khoảng 0,6 điểm % so với cuối năm 2024.
Điều hành tín dụng cũng được thực hiện bài bản, minh bạch. NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm với mục tiêu cả năm là khoảng 16%, đồng thời yêu cầu tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tính đến hết tháng 6.2025, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 - mức tăng tích cực, cho thấy dòng vốn ngân hàng đang tiếp sức hiệu quả cho tăng trưởng. Đáng chú ý, tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ cao đều ghi nhận mức tăng từ 5% đến gần 18% so với cuối năm ngoái.
Cùng với đó, các chương trình tín dụng trọng điểm như gói 145.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng và công nghệ số, hay gói 100.000 tỉ đồng cho nông, lâm, thủy sản được triển khai đồng bộ, góp phần phân bổ tín dụng hợp lý vào các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Tỉ giá biến động nhưng được kiểm soát linh hoạt
Mặc dù đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế, áp lực lên tỉ giá gia tăng, đặc biệt sau động thái trì hoãn giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), song theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, tỉ giá VND được điều hành linh hoạt, theo sát thị trường. Dù VND mất giá 2,7-2,8% từ đầu năm đến nay, mức điều chỉnh này vẫn trong tầm kiểm soát.
Một yếu tố quan trọng khiến VND chịu áp lực là dòng vốn ngoại đảo chiều, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 6 tháng, khối ngoại rút ròng khoảng 40.700 tỉ đồng - tương đương 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, cán cân thanh toán tổng thể vẫn giữ được trạng thái thặng dư nhờ dòng kiều hối, FDI và thương mại hàng hóa ổn định.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thúc đẩy chuyển đổi số, xử lý nợ xấu và lộ trình gỡ bỏ room tín dụng
Song song với điều hành vĩ mô, NHNN cũng thúc đẩy các cải cách mang tính dài hạn. Trong lĩnh vực thanh toán và chuyển đổi số, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng công nghệ được đầu tư mạnh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhiều dịch vụ hiện đại, an toàn.
Đáng chú ý, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Đề án 06 về phát triển Chính phủ số và ứng dụng dữ liệu dân cư, góp phần đẩy mạnh định danh điện tử trong hệ thống tài chính - ngân hàng.
Trong công tác xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD vừa được Quốc hội thông qua, trong đó chính thức luật hóa nhiều quy định hiệu quả từ Nghị quyết 42. Đây được kỳ vọng là nền tảng pháp lý vững chắc giúp hệ thống ngân hàng nâng cao năng lực xử lý nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh mới, hướng tới phát triển lành mạnh.
Một điểm nhấn mới trong điều hành năm nay là việc NHNN đang từng bước gỡ bỏ cơ chế “room” tín dụng.
Trong năm 2025, NHNN đã ngừng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Như vậy, room tín dụng hiện chỉ còn áp dụng với ngân hàng thương mại trong nước. Đây là bước chuyển quan trọng nhằm tăng tính thị trường, giảm can thiệp hành chính, hướng tới điều hành linh hoạt hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, NHNN cũng khẳng định sẽ có đánh giá kỹ lưỡng và thận trọng, tránh để xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng như giai đoạn 2005-2010 từng khiến nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn.
Định hướng điều hành của NHNN tiếp tục kiên định nguyên tắc chủ động - linh hoạt - hiệu quả, đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng lên hàng đầu. Điều này sẽ là điểm tựa quan trọng cho nền kinh tế vững vàng vượt sóng trong nửa cuối năm 2025.
Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh cho biết, thực tế hiện nay tại Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng khiến chính sách tiền tệ phải cùng lúc theo đuổi nhiều mục tiêu như thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá và đảm bảo an toàn hệ thống. Điều này làm gia tăng tính phức tạp trong điều hành và có thể hạn chế hiệu quả của các công cụ chính sách.
Tuy vậy, TS Linh cho rằng, NHNN cần tiếp tục tăng cường giám sát rủi ro, đẩy mạnh chuẩn mực Basel II, III và phối hợp hiệu quả hơn với chính sách tài khóa nhằm tạo cộng hưởng cho tăng trưởng. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của thị trường vốn - bao gồm trái phiếu và cổ phiếu - trong việc cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giúp giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
“Chúng ta cần hướng đến sự cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng và ổn định tài chính. Chính sách tài khóa nên mở rộng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao và cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như thời gian hoàn thành, khai thác. Trong khi chính sách tiền tệ nên thận trọng và linh hoạt để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát và các rủi ro tài chính. NHNN nên phối hợp hơn nữa với Bộ Tài chính để phát triển thị trường vốn - nơi cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế và san sẻ tính lệ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng. Khi hai thị trường cân bằng, thị trường tiền tệ - nơi cung cấp vốn ngắn hạn, thị trường vốn - nơi cung cấp vốn trung dài hạn, sẽ phát huy được tính hiệu quả sử dụng vốn” - ông nói.
https://laodong.vn/kinh-doanh/chinh-sach-tien-te-linh-hoat-giu-on-dinh-vi-mo-ho-tro-tang-truong-1537262.ldo
Quốc Huy (BÁO LAO ĐỘNG)