Chủ tịch tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh sau vụ dân tự khai thác rừng phòng hộ
Hà Tĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp lực lượng kiểm lâm cùng các địa phương chấn chỉnh việc quản lý, bảo vệ rừng.
Cây rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (Hà Tĩnh) mà người dân tự ý chặt bán củi. Ảnh: Trần Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhìn chung được triển khai đồng bộ, kịp thời, góp phần giữ ổn định an ninh môi trường rừng.
Tuy vậy, tại một số địa bàn, việc khai thác rừng trái quy định vẫn xảy ra, đặc biệt là tại các khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển.
UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường có rừng tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; thường xuyên rà soát, xác định các khu vực trọng điểm dễ bị xâm hại để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để rừng bị lấn chiếm, chặt phá.
Các phòng, ngành chức năng như kiểm lâm địa bàn, công an, quân sự, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở... được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng để giám sát, bảo vệ rừng tại gốc và kiểm tra các hoạt động khai thác, chế biến lâm sản.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo kiểm lâm tiếp tục bám sát địa bàn xã Thạch Khê, xử lý nghiêm vụ chặt hạ rừng phòng hộ, đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
Cùng với đó, các địa phương phải rà soát quỹ đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê để lập phương án quản lý, sử dụng đúng quy định, phát huy hiệu quả tiềm năng đất rừng.
Lực lượng công an, quân sự, biên phòng được yêu cầu tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện và đấu tranh xử lý triệt để các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 2.7, Báo Lao Động có bài viết “Phát hiện người dân tự ý khai thác rừng phi lao phòng hộ ven biển” phản ánh việc một số hộ dân ở xã Thạch Khê tự ý khai thác rừng phi lao phòng hộ ven biển mà họ đã trồng.
Một đám rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê bị người dân khai thác trắng. Ảnh: Trần Tuấn.
Theo báo cáo của Kiểm lâm, số lâm sản bị khai thác là cây phi lao với khoảng 135 cây, trong đó 100 cây đường kính gốc từ 5-20cm, 35 cây đường kính gốc từ 21-30cm. Loại rừng bị khai thác là rừng trồng, quy hoạch phòng hộ chắn cát. Chủ quản lý là UBND xã Thạch Hải (nay là xã Thạch Khê).
Số cây bị khai thác trên được 2 hộ dân tự bỏ vốn trồng, chăm sóc, bảo vệ từ những năm 1990. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Thành (thôn Nam Hải) và hộ bà Trần Thị Luyến (thôn Bắc Hải).
Do yếu tố lịch sử để lại, dải rừng ven biển nơi đây, trước khi quy hoạch rừng phòng hộ, nhiều người dân địa phương đã tự trồng, chăm sóc rừng phi lao, khi cây rừng lớn họ tự khai thác bán củi rồi tiếp tục trồng lại lứa cây rừng mới.
Một cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng cho hay, theo quy định, chủ rừng khi muốn khai thác cây ở rừng phòng hộ phải lập phương án, xin cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được khai thác.
Cũng theo quy định, khi khai thác trắng theo đám thì mỗi đám không quá 3ha. Sự việc 2 hộ dân ở xã Thạch Khê tự ý khai thác khi chưa làm thủ tục xin phê duyệt là sai. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, mỗi đám rừng họ khai thác có diện tích nhỏ, chỉ mấy trăm m2, không vượt quá 3ha/đám theo quy định.
https://laodong.vn/xa-hoi/chu-tich-tinh-chi-dao-chan-chinh-sau-vu-dan-tu-khai-thac-rung-phong-ho-1537045.ldo
TRẦN TUẤN (báo lao động)