Các tướng lĩnh cùng thời trên thế giới đều đánh giá cao năng lực, tư duy và nhãn quan chiến lược quân sự của ông. Không chỉ là một vị tướng tài ba với kinh nghiệm trận mạc dày dặn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn từng là một nhà giáo dạy lịch sử, người đã truyền cảm hứng yêu nước cho thế hệ học trò của mình.
Thầy giáo Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, sinh ra tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học và tinh thần yêu nước sâu sắc. Cha ông, cụ Võ Quang Nghiêm, là một nhà Nho, còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Kiên.
Ngay từ thời niên thiếu, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sớm nhận thức được tình hình đất nước, hun đúc tinh thần yêu nước và tích cực tham gia các phong trào học sinh ở Huế cũng như các hoạt động Cách mạng khác. Ông từng học tại Trường Quốc học Huế, sau đó chuyển ra Hà Nội học tại trường Albert Sarraut. Năm 1937, ông tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Luật.
Tháng 9 năm 1935, trường tư thục Thăng Long khai giảng khóa học đầu tiên, do cố giáo sư Hoàng Minh Giám làm giám đốc. Tại đây, thầy giáo Võ Nguyên Giáp bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, đảm nhiệm các môn Pháp văn, Địa lý và Lịch sử. Đặc biệt, ông phụ trách môn Lịch sử cho bậc học tú tài. Thông qua những bài giảng sinh động, thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần Cách mạng trong các học trò của mình.
Dù thời gian đứng trên bục giảng không dài (1936 - 1939), nhưng thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ học trò. Nhiều học trò của ông sau này trở thành những nhà cách mạng, tướng lĩnh quân đội nổi tiếng như: Lê Quang Đạo, Nguyễn Lam, Phạm Hồng Cư, Hoàng Minh Thảo.
Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời bục giảng để dấn thân hoàn toàn vào con đường Cách mạng. Tháng 6 năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông trở về Việt Nam vào năm 1941 để chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, giữ vai trò phụ trách Ban Xung phong Nam tiến vào năm 1942.
Trong bối cảnh đất nước mất độc lập, tự do, tháng 12 năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Ngay sau khi thành lập, đội quân này lập tức giành chiến thắng vang dội tại Phai Khắt và Nà Ngần, tạo nên khí thế Cách mạng cho toàn quân và toàn dân. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lực lượng vũ trang đã đóng vai trò nòng cốt trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, góp phần giành thắng lợi và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu xây dựng lực lượng vũ trang với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Lực lượng vũ trang được mở rộng về số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức, đồng thời trình độ và khả năng chiến đấu của các chiến sĩ Cách mạng không ngừng được nâng cao. Đại tướng chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích, kết hợp với chiến tranh chính quy, tạo nên những chiến thắng vang dội như chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (1947).
Ngay sau chiến thắng chiến dịch đầu tiên, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam. Đặc biệt trong ngày 20.1.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ, chỉ huy quân đội. Trong đội ngũ chỉ huy quân đội có 11 đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, đặc biệt đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp - người đầu tiên được phong thẳng quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian, khi ông mới chỉ 37 tuổi.
Người “thầy” của các bậc thầy quân sự
Xuất phát điểm là một thầy giáo dạy lịch sử, chưa từng qua bất kỳ trường lớp quân sự chuyên nghiệp nào, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một thiên tài quân sự, đánh bại hàng loạt tướng lĩnh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Dưới sự chỉ huy của Đại tướng, quân đội Việt Nam liên tục giành thắng lợi trong những chiến dịch lớn như: Biên giới Thu Đông (1950), Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Đông Xuân (1953 - 1954), với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại Điện Biên Phủ, quyết định lịch sử chuyển từ chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng đã đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chứng minh tài năng của mình với những chiến thắng vang dội tại Bình Giã (1964 - 1965), Đồng Xoài (1965), Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Các học giả, nhà nghiên cứu và quân sự trên thế giới đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, một danh tướng của thế kỷ 20. Ông không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là biểu tượng của ý chí và trí tuệ trong lịch sử quân sự thế giới.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dai-tuong-vo-nguyen-giap-tu-thay-giao-day-lich-su-den-bac-thay-quan-su-1438081.ldo