Điểm mặt các khu công nghiệp lớn của Phú Thọ sau sáp nhập
Phú Thọ - Sau sáp nhập, tỉnh trở thành cực tăng trưởng công nghiệp vùng trung du, miền núi phía Bắc với 32 khu công nghiệp đã được quy hoạch.
Tỉnh Phú Thọ mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Tỉnh mới không chỉ mở rộng quy mô dân số và diện tích tự nhiên mà còn hình thành một cấu trúc công nghiệp mới, liên kết chặt chẽ giữa các vùng. Trong đó, hệ thống khu công nghiệp (KCN) là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới có 32 khu công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó 16 khu đi vào hoạt động.
Tại khu vực Phú Thọ trước đây, có 7 KCN được quy hoạch, trong đó 4 khu đã đi vào hoạt động, gồm: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà và Cẩm Khê.
Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ cũ. Ảnh: Bình Khang
Đến tháng 4.2025, các KCN này đã thu hút 184 dự án đầu tư, trong đó có 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 23.108 tỷ đồng, 87 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2,3 tỉ USD. Có gần 170 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 62 nghìn lao động.
Trong số này, Thụy Vân là khu công nghiệp phát triển sớm nhất, hiện đã lấp đầy gần 100%, thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.
KCN Phú Hà với quy mô 350ha, đang vươn lên thành điểm đến công nghiệp phụ trợ và điện tử. KCN Trung Hà cũng phát triển nhanh nhờ vị trí thuận lợi và hạ tầng hoàn chỉnh.
Tại địa bàn tỉnh Hòa Bình cũ, hiện có 8 KCN quy hoạch với tổng diện tích khoảng 1.597ha, gồm: Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà, Mông Hóa, Yên Quang, Lạc Thịnh, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn và Thanh Hà.
Đến nay, đã có 3/5 KCN đi vào hoạt động, thu hút 104 dự án, với gần 515 triệu USD vốn FDI và 13.547 tỉ đồng vốn trong nước.
Khu công nghiệp Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình cũ) đã lấp đầy 100%, với trên 40 dự án đầu tư. Ảnh: Bình Khang
Đáng chú ý, tháng 1.2025, KCN Nhuận Trạch được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 2.389 tỉ đồng, định hướng trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch. Các KCN như Mông Hóa, Yên Quang, Lạc Thịnh đang được đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong tương lai.
Vĩnh Phúc là địa bàn phát triển mạnh về công nghiệp, với 17 khu công nghiệp đã thành lập. Trong đó 9 khu đã đi vào hoạt động, gồm: Khai Quang, Bình Xuyên I & II, Kim Hoa, Bá Thiện I & II, Sơn Lôi, Tam Dương II – Khu A, Thăng Long Vĩnh Phúc.
Đây là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio, cùng nhiều nhà đầu tư phụ trợ. Các dự án như Nam Bình Xuyên Green Park, Phúc Yên, Lập Thạch I & II đang triển khai, hướng tới mục tiêu có 24 KCN, tổng diện tích gần 10 nghìn ha vào năm 2030.
Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc cũ), có quy mô trên 295 ha. Ảnh: Bình Khang
Phối cảnh khu công nghiệp Sông Lô I, với tiềm năng thu hút các doanh nghiệp sản xuất, logistics và công nghiệp phụ trợ.
Hệ thống KCN của tỉnh Phú Thọ mới có lợi thế rõ rệt về vị trí địa lý khi tiếp giáp Hà Nội, gần sân bay Nội Bài; kết nối các tuyến cao tốc huyết mạch như Nội Bài – Lào Cai, Hòa Lạc – Hòa Bình, Quốc lộ 2 và đường sắt xuyên Á. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành hành lang công nghiệp – logistics liên vùng, hiện đại, hiệu quả.
Với hàng chục KCN và Cụm công nghiệp đang hoạt động, tỉnh Phú Thọ mới đang nổi lên là một trong những cực tăng trưởng công nghiệp mới của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
https://laodong.vn/kinh-doanh/diem-mat-cac-khu-cong-nghiep-lon-cua-phu-tho-sau-sap-nhap-1534785.ldo
Bình Khang (BÁO LAO ĐỘNG)