TPHCM bứt phá sau sáp nhập, mục tiêu vào tốp 100 thành phố đáng sống
Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu vào tốp 100 thành phố đáng sống thế giới.
TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội đầu tiên sau sáp nhập. Ảnh: Việt Dũng
GRDP tăng 7,49% nếu không tính dầu thô
Ngày 4.7, UBND TPHCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội đầu tiên kể từ khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Phiên họp được kết nối trực tuyến với toàn bộ 168 phường, xã và đặc khu trên địa bàn thành phố mới.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Công Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sau sáp nhập đạt mức tăng 6,56%. Đáng chú ý, nếu loại trừ yếu tố dầu thô, tốc độ tăng trưởng lên tới 7,49%. TPHCM cũ tăng 7,82%, Bình Dương cũ tăng 8,3%, riêng Bà Rịa - Vũng Tàu cũ giảm 2,2%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê TPHCM, việc đưa dầu thô vào tính toán đã kéo giảm GRDP xuống khoảng 0,93%. “Mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm ở mức 10-12% là thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay” - ông Hoàng nhận định.
Ông Hoàng cũng lưu ý rằng, mặc dù tỉ lệ giải ngân đầu tư công đạt 32,9% - mức khá tích cực so với các năm trước, song để hoàn thành chỉ tiêu 100% vào cuối năm, TPHCM cần đạt mức giải ngân trung bình trên 11% mỗi tháng trong 6 tháng còn lại.
Tầm nhìn chiến lược cho một thành phố mới
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc sáp nhập ba địa phương tạo nên TPHCM mới đòi hỏi một cách tiếp cận mới: Rộng hơn, dài hạn hơn và chiến lược hơn. “Trước đây chúng ta quy hoạch theo từng địa bàn, nay phải quy hoạch theo tầm nhìn tổng thể của thành phố mới - một đô thị đặc biệt, phấn đấu vào top 100 thành phố đáng sống thế giới vào năm 2030, tầm nhìn đến 2045” - ông Được nói.
Theo đó, việc phân vùng chức năng, định hướng phát triển từng khu vực sẽ được rà soát và điều chỉnh lại. Thành phố đặt mục tiêu tận dụng tối đa lợi thế từng địa phương, đồng thời loại bỏ sự cạnh tranh nội vùng không cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Được cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại. Ông cho biết, trong quý I, cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới thì có 4 doanh nghiệp đóng cửa. Đến quý II, tỉ lệ đã cải thiện - 2,3 doanh nghiệp “sinh” thì 1 doanh nghiệp “tử” nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. “Đây là chỉ số cảnh báo cần theo dõi sát, nhất là trong bối cảnh các tác động từ thuế quan và chính sách quốc tế đang đến gần” - ông Được nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM kêu gọi các đơn vị chuyển từ mô hình “kiểm soát” sang “phục vụ”, lấy hiệu quả làm thước đo. “Phải bỏ tư duy quan với dân. Dân không xin - mình không cho, mà dân là người đặt hàng, còn chính quyền là đơn vị cung cấp dịch vụ” - ông Được nhấn mạnh.
Ông Được cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề án Trung tâm hành chính công hai cấp, hướng tới mục tiêu 100% thủ tục hành chính được thực hiện “phi địa giới” vào cuối năm 2025. Trung tâm hành chính công cấp thành phố sẽ có một trụ sở chính và 38 chi nhánh tại các quận, huyện trước đây (22 của TPHCM cũ, 9 của Bình Dương cũ, 7 của Bà Rịa - Vũng Tàu cũ), mỗi chi nhánh có ít nhất 5 biên chế.
Chốt lại phiên họp, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta đã về cùng một nhà. Cần dẹp bỏ suy nghĩ địa bàn anh, địa bàn tôi, để cùng nhìn nhận đây là TPHCM mới. Hãy tận dụng mọi lợi thế, khai thác thế mạnh từng vùng để xây dựng một thành phố mạnh, có ít nhất hai tập đoàn lớn mang thương hiệu TPHCM trong tương lai”.
https://laodong.vn/thoi-su/tphcm-but-pha-sau-sap-nhap-muc-tieu-vao-top-100-thanh-pho-dang-song-1535110.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)