Điểm mới, nhân văn trong giáo dục học sinh khuyết tật
Việc tổ chức “Lớp giáo dục chuyên biệt” trong các cơ sở giáo dục là nội dung mới, mang tính nhân văn sâu sắc dành cho học sinh khuyết tật.
Nhiều tiến bộ trong giáo dục học sinh khuyết tật
Trong những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về quy mô và chất lượng, được thực hiện ở tất cả các bậc học, cấp học từ mầm non đến THPT và đã huy động được tối đa số trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường.
Công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động giúp đỡ học sinh khuyết tật đã thực hiện một cách tích cực. Ngày càng có nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân chung tay giúp đỡ học sinh khuyết tật.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho học sinh khuyết tật đã được các nhà trường quan tâm đầu tư xây dựng và mua sắm; chế độ, chính sách về giáo dục học sinh khuyết tật đã được quan tâm thực hiện.
Trong tổ chức dạy học, giáo viên đã chú trọng hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cho học sinh như: biết ứng xử với bạn bè, gia đình; hoà đồng với bạn bè; biết tự chăm sóc bản thân; tham gia các hoạt động khác ở mức đơn giản.
Giáo viên đã biết điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với học sinh khuyết tật, với từng dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường.
Học sinh khuyết tật đã có nhiều cố gắng vươn lên, nhiều em đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, công tác giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật tại các trường học còn gặp không ít khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là đối tượng học sinh khuyết tật nặng chưa thể tham gia giáo dục hoà nhập.
Tháo gỡ khó khăn cho giáo dục học sinh khuyết tật
Ngày 26.12.2024, Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 27/2024 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Điểm mới của Thông tư 27/2024 là cho phép tổ chức “Lớp giáo dục chuyên biệt” trong trường mầm non, trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Đối tượng học sinh học Lớp giáo dục chuyên biệt là học sinh chưa thể tham gia giáo dục hoà nhập hiệu quả do cần những yêu cầu đặc biệt trong việc tổ chức dạy và học; mỗi lớp không quá 12 học sinh.
Hằng năm, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt xây dựng kế hoạch tuyển sinh học sinh khuyết tật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức tuyển sinh theo quy định.
Thông tư cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của trường có Lớp giáo dục chuyên biệt; giáo viên dạy Lớp giáo dục chuyên biệt; nhiệm vụ và quyền hạn của học sinh; hoạt động dạy và học của Lớp giáo dục chuyên biệt; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thư viện; mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội,…
Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức thống kê, rà soát đối tượng học sinh khuyết tật nặng; rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để từ đó tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức Lớp giáo dục chuyên biệt.
Có thể thành lập Lớp giáo dục chuyên biệt theo các dạng khuyết tật (Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác); có thể tổ chức Lớp giáo dục chuyên biệt theo cụm trường.
Đối với các em học sinh khuyết tật nặng chưa thể tham gia giáo dục hoà nhập hiệu quả, cần phải có một lớp học chuyên biệt để không ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp và để bảo đảm hiệu quả giáo dục. Giai đoạn các em đang ở lứa tuổi học mầm non và tiểu học là giai đoạn “vàng” để can thiệp và giáo dục chuyên biệt.
Các em học sinh khuyết tật phần lớn hoàn cảnh gia đình đều khó khăn nên gia đình không có điều kiện cho theo học tại các trường chuyên biệt hay trung tâm giáo dục hoà nhập.
Vì vậy, quy định mới cho phép tổ chức Lớp giáo dục chuyên biệt ngay trong trường là việc làm thiết thực và nhân văn.
https://laodong.vn/giao-duc/diem-moi-nhan-van-trong-giao-duc-hoc-sinh-khuyet-tat-1453780.ldo
PHAN DUY NGHĨA (SỞ GDĐT HÀ TĨNH)