Du lịch cộng đồng giải quyết việc làm hiệu quả tại Buôn Đôn
Đắk Lắk - Trong những năm gần đây, chính quyền huyện Buôn Đôn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm.
Du lịch ở huyện Buôn Đôn giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Bảo Lâm
Người dân có thu nhập nhờ tham gia làm du lịch
Nằm trong khuôn khổ Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Buôn Đôn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển du lịch bền vững.
Một trong những điểm sáng của mô hình này là Buôn Trí (xã Krông Na), nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em như Êđê, M’nông, Ja Rai, Lào, Kinh... với 117 ngôi nhà sàn truyền thống đặc trưng của Tây Nguyên.
Lao động nữ ở Buôn Đôn tập gấp khăn, làm dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú. Ảnh: Bảo Lâm
Buôn Trí vẫn lưu giữ nhiều phong tục, lễ hội độc đáo như lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ hội cồng chiêng, Hội voi Buôn Đôn, Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào... cùng với nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn.
Theo UBND huyện Buôn Đôn, chính sự đặc sắc về văn hóa và bản sắc dân tộc đã giúp Buôn Trí trở thành điểm đến hấp dẫn với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Sự gia tăng lượng khách du lịch đã tạo điều kiện cho người dân trong buôn học cách làm du lịch, phục vụ ăn uống, tổ chức biểu diễn văn hóa - văn nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm địa phương… Từ đó, người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cán bộ xã, thôn buôn tập huấn du lịch, nội dung phục vụ, đưa đón du khách đến tham quan. Ảnh: Bảo Lâm
Chị H’Bi - một người dân tại Buôn Trí - chia sẻ: “Trước đây cả gia đình chỉ sống nhờ hai sào rẫy trồng sắn, ngô, thu nhập rất bấp bênh. Giờ đây, vợ chồng tôi tham gia nấu ăn cho nhà hàng, biểu diễn múa cồng chiêng, bán đồ thủ công cho du khách… nên cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều”.
Không chỉ dừng lại ở đó, tinh thần cộng đồng và sự đồng lòng phát triển du lịch còn thể hiện rõ qua việc anh Y Nũn Knul tự nguyện hiến đất làm bãi đỗ xe và nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách. Anh cũng đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng.
Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch
Một nhân tố tích cực khác là anh Y Nô Ly Kbuôr - thành viên ban nhạc dân tộc Kẹng Tí, người có nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn phục vụ du khách. Với những đóng góp của mình, anh góp phần không nhỏ đưa hình ảnh Buôn Trí lan tỏa rộng rãi hơn trên bản đồ du lịch.
Văn hóa Buôn Đôn với voi, cồng chiêng đang thu hút du khách trải nghiệm. Ảnh: Bảo Lâm
Nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch hiệu quả, UBND huyện Buôn Đôn đã đầu tư nhiều hạng mục thiết yếu cho Buôn Trí như hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân...
Người lao động địa phương thích thú, vui mừng với các mô hình du lịch giúp họ có thêm việc làm, trang trải thu nhập. Ảnh: Bảo Lâm
Lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn đánh giá, mô hình du lịch cộng đồng tại Buôn Đôn không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mở ra hướng đi thiết thực, hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
https://laodong.vn/xa-hoi/du-lich-cong-dong-giai-quyet-viec-lam-hieu-qua-tai-buon-don-1510287.ldo
BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)