Thời sự
Cập nhật lúc 11:47 18/01/2025 (GMT+7)
Giải pháp xử phạt khi dùng điện thoại tại cây xăng

Đề xuất phạt 5-7 triệu đồng khi sử dụng điện thoại tại cây xăng nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình, với mục tiêu đảm bảo an toàn cháy nổ.

Giải pháp xử phạt khi dùng điện thoại tại cây xăng
Đề xuất tăng mạnh mức phạt khi sử dụng điện thoại tại cây xăng. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần hướng dẫn và phối hợp để thực thi hiệu quả

Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó, có đề xuất tăng mạnh mức phạt các hành vi vi phạm an toàn cháy nổ tại nơi có quy định cấm. Đối với hành vi mang theo và sử dụng điện thoại tại cây xăng có thể bị phạt từ 3 - 7 triệu đồng, thay vì mức 300 - 500 ngàn đồng hiện nay.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình khi xét đến nguy cơ cháy nổ tại cây xăng, nơi có nhiều yếu tố dễ gây cháy nổ và nguy cơ phát sinh tia lửa điện từ điện thoại. Anh Hoàng Văn Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng quy định này rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho mọi người. Để tránh hiểu lầm, các cây xăng cần bố trí biển báo rõ ràng hơn về khu vực cấm sử dụng điện thoại".

Anh Trần Minh Tú (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì đặt vấn đề: “Nếu không được mang điện thoại vào cây xăng, chúng tôi sẽ để ở đâu? Nếu để bên ngoài thì sợ mất cắp, liệu cây xăng có chỗ gửi không? Cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để tránh gây những bất tiện không đáng có".

Một mối lo khác đến từ thói quen sử dụng điện thoại trong thanh toán. Chị Trần Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán tại cây xăng. Nếu cấm điện thoại, tôi sẽ phải quay lại dùng tiền mặt, gây bất tiện hơn. Có lẽ cần phân khu vực cho phép dùng điện thoại để hỗ trợ thanh toán".

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp thực tế

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bày tỏ quan điểm về dự thảo quy định, ông Nguyễn Thanh Chung - Phó trưởng phòng Kinh doanh công ty Xăng dầu Mipec - khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu đảm bảo an toàn PCCC, nhưng để thực hiện hiệu quả, cần có hướng dẫn chi tiết hơn cho doanh nghiệp và khách hàng".

Ông Chung giải thích rằng, hiện nay, phần lớn khách hàng sử dụng điện thoại để thanh toán qua các ứng dụng điện tử. “Khoảng 70% giao dịch tại hệ thống cửa hàng của chúng tôi là thanh toán không tiền mặt. Nếu cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, cần có giải pháp thanh toán thay thế như thiết bị hỗ trợ hoặc khu vực riêng cho người dùng điện thoại".

Giải đáp cho băn khoăn khách hàng phải để điện thoại ở đâu khi vào mua xăng, ông Chung cho rằng: “Các cây xăng có thể bố trí khu vực tạm lưu trữ điện thoại, nhưng điều này đòi hỏi chi phí đầu tư. Hơn nữa, nếu khách hàng từ chối gửi điện thoại hoặc có tranh chấp phát sinh, chúng tôi không thể xử lý triệt để".

Một giải pháp được ông Chung đề xuất là phân chia khu vực cấm và khu vực an toàn tại cây xăng. “Ví dụ, chỉ cấm sử dụng điện thoại trong khu vực bơm xăng nhưng cho phép dùng ở khu vực chờ hoặc thanh toán. Điều này vừa linh hoạt, vừa không làm gián đoạn giao dịch hiện đại".

Ông Chung cũng nhấn mạnh vai trò của biển báo tại cây xăng. “Hiện nay, các biển cấm sử dụng điện thoại khá nhỏ, dễ bị bỏ qua. Cần lắp đặt biển báo lớn hơn, dễ nhận diện hơn và thông tin rõ về mức xử phạt để khách hàng ý thức hơn".

Theo các chuyên gia, cần phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Cùng với việc xử phạt, các cơ quan chức năng nên chú trọng vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Chung chia sẻ: “Chúng tôi rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc phổ biến quy định và hỗ trợ giải pháp thực tế. Khi người dân hiểu rõ nguy cơ cháy nổ và tự giác tuân thủ, quy định sẽ đạt được hiệu quả cao nhất".

https://laodong.vn/kinh-doanh/giai-phap-xu-phat-khi-dung-dien-thoai-tai-cay-xang-1451142.ldo

LỤC GIANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: