Học 2 buổi/ngày cần thí điểm trước khi áp dụng rộng rãi
Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày với học sinh THCS, THPT đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng, trước khi đưa vào áp dụng trên toàn quốc, cần thực hiện thí điểm nhằm tìm ra lộ trình triển khai khoa học, phù hợp với từng địa phương.
Cần thí điểm việc dạy học 2 buổi/ngày trước khi áp dụng rộng rãi. Ảnh: Trang Hà
Còn nhiều băn khoăn
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GDĐT) - cho biết, nhằm thực hiện việc khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đúng với chủ trương của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Luật Giáo dục, bộ hướng đến việc hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc THCS và THPT ở những trường đủ điều kiện.
Theo học chương trình 2 buổi/ngày từ những năm cấp 2, em Giáp Tùng Dương - học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết: “Học 2 buổi/ngày nên số lượng tiết học cũng được phân bổ đều hơn, vừa giảm căng thẳng cho học sinh vừa giúp các em có khoảng nghỉ để tiếp thu kiến thức”.
Hiểu tâm lý của các bạn cùng trang lứa, Tùng Dương cho hay, khi đưa vào triển khai dạy học 2 buổi/ngày, sẽ có hai luồng ý kiến. Với những bạn có khả năng tự học kém, việc học 2 buổi/ngày được ủng hộ, các bạn có nhiều thời gian để thầy cô kèm cặp từ đó có sự tiến bộ trong học tập. Tuy nhiên, với những bạn có khả năng tự học tốt, đôi khi chủ trương này, sẽ khiến các bạn cảm thấy bị bó buộc.
Là phụ huynh có con đang học bậc THCS ở Bắc Ninh, mặc dù ủng hộ việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày nhưng chị Hồng Nhung còn một vài băn khoăn.
“Tôi không phản đối việc học 2 buổi nhưng cần phải có chương trình hợp lý, không nhồi nhét. Con tôi năm nay lớp 9, đang trong giai đoạn ôn thi vào lớp 10 rất căng thẳng. Nếu tổ chức học 2 buổi/ngày mà không có chương trình sắp xếp khoa học thì các con dễ bị quá tải. Các con cũng cần thời gian tự học, trải nghiệm, thể thao để có thể phát triển toàn diện” - chị Nhung chia sẻ
Cần thí điểm trước khi đưa vào áp dụng
Hiện nay, hầu hết các trường THCS, THPT đều đang thực hiện dạy 1 buổi/ngày, buổi còn lại học sinh tự do thực hiện các hoạt động học tập, vui chơi theo định hướng cá nhân.
Theo cô Trần Thị Thơ - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), việc học 2 buổi/ngày nếu được tổ chức khoa học sẽ mang lại nhiều lợi ích. Học sinh không phải học quá dồn dập trong một buổi, mà có thể học 3-4 tiết vào buổi sáng và 3-4 tiết vào buổi chiều. Có những ngày buổi chiều được nghỉ sẽ tham gia câu lạc bộ, vừa học, vừa chơi một cách hài hòa. Việc phân bổ thời lượng học hợp lý sẽ giúp học sinh tiếp thu tốt hơn, tránh tình trạng mệt mỏi khi học quá nhiều trong một buổi.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi đưa chủ trương này vào thực hiện rộng rãi nằm ở cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Việc sắp xếp chương trình học phù hợp, không gây áp lực lên học sinh và giáo viên cũng là một bài toán khó.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, cần có thí điểm trước khi áp dụng rộng rãi. Việc này giúp xác định vùng nào thực hiện được, vùng nào chưa đủ điều kiện, từ đó có phương án điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, triển khai dạy học 2 buổi/ngày phải xác định được nội dung giáo dục rõ ràng, không nhồi nhét kiến thức. Buổi học bổ sung mỗi ngày cần chú trọng phát triển các kỹ năng thực hành, trải nghiệm, nghiên cứu, tham quan học tập. Đây là cơ hội để phát triển toàn diện cho học sinh theo đúng định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Về vấn đề cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, theo GS.TS Phạm Tất Dong, cần có tầm nhìn dài hạn, kết hợp chặt chẽ giữa Bộ GDĐT và các địa phương.
“Khi xây mới trường học, cần tính đến việc tổ chức học hai buổi, xây dựng không gian cho các hoạt động trải nghiệm. Không nên xây dựng theo mô hình cũ mà phải phù hợp với yêu cầu của trường học hiện đại - xanh, số hóa và phát triển toàn diện. Bộ Giáo dục cần có kế hoạch dài hạn, dựa trên kế hoạch trao quyền cho các địa phương quyết định và tổ chức theo điều kiện thực tế của mình. Mỗi địa phương sẽ có phương án phù hợp, đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực” - GS.TS Dong đánh giá.
https://laodong.vn/giao-duc/hoc-2-buoingay-can-thi-diem-truoc-khi-ap-dung-rong-rai-1499408.ldo
TRẦN HẠNH - THANH HẰNG (BÁO LAO ĐỘNG)