Thời sự
Cập nhật lúc 01:49 12/02/2025 (GMT+7)
Hướng tới trường học không có dạy thêm

Ngày 14.2.2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Nhiều chuyên gia ủng hộ quy định này, hướng tới trường học không dạy thêm, học sinh không cần học thêm.

Hướng tới trường học không có dạy thêm
Thông tư 29 cho phép giáo viên dạy thêm nhưng không thu học phí, giúp hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ lên lớp. Ảnh: Hải Nguyễn

“Siết” các quy định về dạy thêm

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhận định, Thông tư 29 cho phép giáo viên dạy thêm nhưng không thu học phí, giúp thầy cô hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ lên lớp. Điều này tạo điều kiện để giáo viên bổ sung kiến thức cho học sinh khi chưa thể giải quyết trong giờ học chính khóa.

Bà Hương cho biết, trước năm 2000, giáo viên thường xuyên hỗ trợ học sinh ngoài giờ học mà không thu phí. Khi thấy học sinh cần giúp đỡ, thầy cô sẵn sàng dạy miễn phí. Tuy nhiên, về sau, học thêm dần trở thành dịch vụ thu phí, biến việc dạy thêm thành hoạt động kinh doanh.

TS Vũ Thu Hương chia sẻ thêm, sau khi Thông tư 29 được ban hành, nhiều ý kiến lý luận, việc cho phép giáo viên dạy thêm nhưng không được tính phí là vô lý. Nhưng thực tế, nếu giáo viên không truyền tải được đầy đủ kiến thức cho số đông học sinh đồng nghĩa với việc họ chưa hoàn thành trách nhiệm trong giờ dạy.

Như vậy, họ phải sử dụng thời gian khác để hỗ trợ học sinh sau giờ học. Và việc giảng dạy như vậy cũng chỉ là việc giáo viên hoàn thành trách nhiệm của mình. Vì thế, thu phí trong trường hợp này là không hợp lý.

Bà Hương nhấn mạnh, quy định mới khẳng định giáo dục không phải là dịch vụ, mà phải đặt quyền lợi học sinh lên hàng đầu. Nếu giáo dục bị thương mại hóa, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Quy định này giúp dạy thêm xuất phát từ tâm huyết của giáo viên và nhu cầu thực sự của học sinh, thay vì vì mục đích kiếm tiền.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Vân Trang
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Vân Trang

Cần giải quyết phần gốc rễ của dạy thêm, học thêm

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu dạy thêm, học thêm đúng hướng. Song thực tế hiện nay, việc dạy thêm, học thêm có nhiều tiêu cực.

Theo chuyên gia, tiêu cực có thể đến từ phía thầy cô giáo, khi đời sống khó khăn, họ nghĩ đến dạy thêm để kiếm thêm nguồn thu nhập. Còn về phía phụ huynh, vì quá bận rộn nên đẩy con đi học thêm, hay cũng có gia đình vì thành tích, muốn học thêm để nổi bật,...

"Ngoài xuất phát từ phía giáo viên, phụ huynh thì gốc cũng từ phía chương trình, thi cử nặng nề" - ông Nhĩ nói.

Còn theo quan điểm của TS Vũ Thu Hương cho rằng, người giáo viên khi muốn cải thiện kinh tế cần phải tuân theo những quy định. Thầy cô phải hoàn thành được đầy đủ trách nhiệm trên lớp đối với học sinh. Mỗi giáo viên cũng cần ý thức trong việc rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân.

Bà Hương cho rằng, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm hiểu và phát triển kỹ năng cần thiết. Những giáo viên phàn nàn về chương trình thường chưa giúp học sinh hình thành năng lực này. Thầy cô phải trau dồi kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tự học, lập kế hoạch học tập và chủ động nâng cao năng lực giảng dạy của mình.

5 giải pháp để quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm

Nhìn nhận dạy thêm, học thêm là những nhu cầu có thực của người học và người dạy, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đề cập tới 5 giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm như sau:

Thứ nhất, giải pháp hành chính thông qua các Thông tư, các quy định cụ thể.

Thứ hai, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh. Đồng thời, đổi mới kiểm tra đánh giá: Kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018,...

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Ban hành các chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện và ban hành Luật Nhà giáo.

https://laodong.vn/giao-duc/huong-toi-truong-hoc-khong-co-day-them-1461772.ldo

TƯỜNG VÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: