Thời sự
Cập nhật lúc 06:19 17/05/2025 (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý đã bộc lộ hạn chế trong vận hành, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiệm vụ trùng lặp với ngân sách nhà nước (NSNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước thực trạng này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khuyến nghị sắp xếp lại đối với các quỹ tài TCNNS do Trung ương quản lý.

Kiểm toán Nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách
Kiểm toán Nhà nước khuyến nghị sắp xếp lại đối với các quỹ tài chính ngân sách. Ảnh: VGP

Các quỹ cơ bản tuân thủ quy định về tài chính

Khoản 19 Điều 4 Luật NSNN năm 2015 quy định: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.

Theo Báo cáo số 609/BC-CP của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, hiện tại, có 22 Quỹ do các bộ, cơ quan Trung ương quản lý.

8 quỹ có quy mô vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, trong đó các quỹ công gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý (chiếm 91,4% tổng số quỹ TCNNS) theo cơ chế chủ động; các quỹ TCNNS khác còn tồn tại bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ, quy định pháp luật chưa rõ ràng, thiếu văn bản pháp luật để thống nhất quản lý: Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ước tính đến cuối năm 2024, số dư nguồn các quỹ khoảng 1.476,6 nghìn tỉ đồng, tăng 3,97% so với năm 2023. Số dư 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 91,4% tổng số dư các quỹ; có 4 quỹ có số dư dưới 100 tỉ đồng; 8 quỹ có số dư từ 100-1.000 tỉ đồng; 8 quỹ có số dư trên 1.000 tỉ đồng. Về cơ bản, các quỹ này đã sử dụng tài chính theo các quy định của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao...

KTNN đánh giá, việc thực hiện nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương đã góp phần nâng cao hiệu quả trong các công tác được giao như: Quản lý các khoản bảo hiểm, tích lũy trả nợ công, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án bảo vệ môi trường, dự án khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tài trợ, hỗ trợ các hoạt động, dự án về viễn thông, phòng chống tác hại của thuốc lá, hỗ trợ việc làm ngoài nước, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân gặp khó khăn, bù đắp những mất mát, hy sinh, gian khổ trong công tác phòng, chống tội phạm và là nguồn động viên, khích lệ cho tập thể, cá nhân tiếp tục đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và ma túy, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 cho thấy, hoạt động của các quỹ này còn nhiều bất cập, hạn chế.

Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các quỹ được thiết kế theo 3 nhóm: Quy định tại luật và nghị định, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo Quyết định của cơ quan Trung ương. Trên thực tế, các quỹ được tổ chức theo 4 phương thức chính: Mô hình chuyên biệt, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, mô hình công ty TNHH một thành viên và các mô hình chưa được quy định cụ thể.

Hơn nữa, bộ máy quản lý giữa các quỹ cũng thiếu đồng bộ. Một số quỹ do cán bộ kiêm nhiệm của các bộ, ngành quản lý nên không phát sinh chi phí; trong khi không ít quỹ khác xây dựng tổ chức riêng, gồm: hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban quản lý quỹ, dẫn đến tăng biên chế và chi phí...

Một trong những bất cập lớn của hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay là sự trùng lặp về nhiệm vụ chi với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ví dụ, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ quốc gia về việc làm hay Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đều có nội dung chi tương đồng với NSNN.

Thậm chí, một số quỹ còn trực tiếp cung cấp dịch vụ tài chính trùng lặp với Ngân hàng Chính sách xã hội. Một số quỹ còn quy định nội dung chi không xác định cụ thể, điển hình là Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý quỹ

Từ những đánh giá về các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương được kiểm toán, KTNN đưa ra một số khuyến nghị.

Theo đó, nghiên cứu cơ chế quản lý đối với các quỹ TCNNS do Trung ương quản lý tổ chức theo hướng phân biệt giữa các quỹ công hoạt động theo điều lệ quỹ và các luật chuyên ngành (gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Tích lũy trả nợ) với các quỹ TCNNS còn lại có cơ chế quản lý phù hợp.

Về mô hình tổ chức, nghiên cứu sắp xếp các quỹ TCNNS do Trung ương quản lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực NSNN. Sắp xếp mô hình quản lý các quỹ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tại một số quỹ có thể không nhất thiết tổ chức bộ máy riêng mà chỉ cần Bộ, ngành xác định tiêu chuẩn, tiêu chí được hưởng ưu đãi từ quỹ và ủy thác các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp vay và hưởng ưu đãi theo sứ mệnh của quỹ.

Về chế độ tiền lương, nghiên cứu rà soát các quy định về chi lương đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương để đảm bảo tính đồng bộ, công bằng so với các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước và tương xứng với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện đánh giá hoạt động của các quỹ, tránh trường hợp quỹ chủ yếu dùng nguồn vốn để gửi ngân hàng nhưng vẫn được nhận thu nhập cao theo mức thu nhập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối với thực hiện nhiệm vụ của các quỹ, nghiên cứu, rà soát sứ mệnh và mục tiêu hoạt động của các quỹ. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo các quỹ hoạt động đúng chức năng, thực hiện đầy đủ sứ mệnh cũng như mục tiêu đã được xác định khi thành lập. Đồng thời, cần rà soát lại các nhiệm vụ của các quỹ để tránh trường hợp trùng lặp với các nhiệm vụ của NSNN.

KTNN cũng khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét phối hợp với các các bộ chủ quản để rà soát chi tiết về tình hình sử dụng các nguồn vốn tại tất cả các quỹ, qua đó xác định đây là một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ.

Kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 tại Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước cho thấy, việc thực hiện mục tiêu của quỹ và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý quỹ còn bất cập, như: thực hiện chưa hiệu quả, nhiều nhiệm vụ phải hủy hoặc tỷ lệ thực hiện thấp; một số nhiệm vụ thực hiện đạt thấp so với kế hoạch hoặc thực hiện thừa so với nhu cầu (in sách, tài liệu phục vụ người lao động đi làm việc ở nước ngoài thừa so với nhu cầu); cơ chế hoạt động tài chính chưa đảm bảo cơ sở cho Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

https://laodong.vn/xa-hoi/kiem-toan-nha-nuoc-de-xuat-sap-xep-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-1507952.ldo

NHƯ HẠ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: