Quy định về các cấp công đoàn sau khi sửa Luật Công đoàn 2024
Luật Công đoàn 2024 (sửa đổi) bổ sung quy định về các cấp công đoàn nhằm bảo đảm tương ứng với tổ chức đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 21.5, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục khẳng định vị trí không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam
Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung 09/37 điều của Luật Công đoàn 2024. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về vị trí, vai trò, tổ chức của Công đoàn; quyền kiến nghị xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn.
Dự án Luật tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, dự án Luật bổ sung vào Điều 1 Luật Công đoàn 2024 quy định “là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn" nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi).
Nội dung sửa đổi, bổ sung cũng bảo đảm thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), phù hợp với vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam là “tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân, người lao động cả nước”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Văn phòng Quốc hội
Đồng thời, tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 1 Luật Công đoàn tiếp tục khẳng định, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động;
Khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho các giai cấp công nhân và người lao động.
Khi sắp xếp, trực thuộc về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam vẫn có tư cách pháp nhân, con dấu của tổ chức, vẫn đại diện tham gia các quan hệ lao động quốc tế, tham gia các quan hệ lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động, phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên.
Các cấp Công đoàn Việt Nam
Dự án Luật bãi bỏ quy định về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở”, “liên đoàn lao động cấp huyện” và thẩm quyền tương ứng, đặc thù của tổ chức công đoàn.
Sửa đổi, bổ sung quy định các cấp công đoàn, gồm: cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động cấp tỉnh và công đoàn ngành trung ương, công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty, công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức công đoàn;
Công đoàn cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở.
Theo cơ quan soạn thảo dự án Luật, quy định trên nhằm để tổ chức công đoàn không thuần túy theo cấp hành chính, không gắn với địa bàn dân cư, chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Đồng thời, tại dự án Luật sửa đổi các quy định về tham dự kỳ họp, phiên họp, cuộc họp và hội nghị của Chủ tịch công đoàn cấp trên cơ sở; điều chỉnh trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở khi không còn tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và liên đoàn lao động cấp huyện.
Liên quan đến quyền kiến nghị xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Công đoàn, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Công đoàn 2024 theo hướng bỏ thẩm quyền trình Luật của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để phù hợp với khoản 1 Điều 84 Hiến pháp (sửa đổi).
Điều chỉnh thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động...
Về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, dự án Luật sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng đóng kinh phí công đoàn để phù hợp với điều chỉnh về tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn, trong đó cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước không còn là đối tượng phải đóng công đoàn phí...
https://laodong.vn/thoi-su/quy-dinh-ve-cac-cap-cong-doan-sau-khi-sua-luat-cong-doan-2024-1510179.ldo
Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)