Thời sự
Cập nhật lúc 02:41 06/01/2025 (GMT+7)
Tạo điều kiện giải quyết thủ tục người dân sau sáp nhập

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương tạo điều kiện giải quyết thủ tục nhanh chóng cho người dân trong khi chuyển đổi giấy tờ liên quan sau sáp nhập.

Tạo điều kiện giải quyết thủ tục người dân sau sáp nhập
Quảng Bình tạo điều kiện giải quyết thủ tục cho người dân sau sáp nhập. Ảnh: H. Huyền

Giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 6.1, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương đã xây dựng đề án và thực hiện sắp xếp 11 đơn vị hành chính (ĐVHC) thành 5 (giảm 6 ĐVHC) cấp xã.

Trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình đã cân nhắc thận trọng các yếu tố đặc thù, xem xét toàn diện quá trình hình thành, phát triển của từng ĐVHC, chú trọng giữ gìn, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh để tập trung phát triển đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại đang gặp phải.

Một số ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp do có yếu tố đặc thù về kinh tế - xã hội, địa lý tự nhiên nên không thể nhập thêm hoặc điều chỉnh địa giới hành chính của ĐVHC cùng cấp liền kề nên sau khi thành lập, ĐVHC mới có diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn quy định (nhập xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh; nhập xã Cảnh Hóa và xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch).

Có 3 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh Quảng Bình đã cân nhắc thận trọng, xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nhưng tỷ lệ cử tri tán thành phương án sắp xếp không đạt trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn. Vì vậy không thể thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời chỉ đạo các địa phương nghiên cứu phương án sắp xếp phù hợp và đề xuất thực hiện sắp xếp xã này trong giai đoạn 2026 - 2030.

Không gây ảnh hưởng, gián đoạn các thủ tục

Thời gian đến, tỉnh Quảng Bình kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định.

Tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương nghiên cứu, tăng kinh phí hỗ trợ so với mức 500 triệu đồng/1 ĐVHC cấp xã giảm trong giai đoạn 2023 - 2025, nhằm tạo điều kiện cho các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp kiến thiết; có chính sách vượt trội hơn để khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Về lộ trình thực hiện giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030 để các địa phương có thời gian chuẩn bị, xây dựng phương án kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bà Nguyễn Thu Xuân (ở huyện Bố Trạch) mong muốn rằng, thủ tục, giấy tờ cá nhân khi thay đổi thông tin địa chính sẽ được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Từ đó giúp người dân dễ dàng hơn trong quá trình làm việc.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, về vấn đề dôi dư trụ sở hành chính, các huyện sẽ chỉ đạo cấp xã lựa chọn trụ sở làm việc trước mắt để đảm bảo hoạt động, không gây ảnh hưởng, gián đoạn các thủ tục hành chính, xáo trộn trong đơn vị. Về lâu dài sẽ chỉ có 1 trụ sở duy nhất.

Các địa phương cần phải tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết thủ tục nhanh chóng cho người dân trong quá trình chuyển đổi giấy tờ liên quan từ ĐVHC cũ sang mới.

https://laodong.vn/xa-hoi/tao-dieu-kien-giai-quyet-thu-tuc-nguoi-dan-sau-sap-nhap-1446063.ldo

CÔNG SÁNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: