Thiếu cơ chế ưu tiên ngành nghề chuyển đổi xanh
TS. Nguyễn Quốc Việt - Trường Đại học Kinh tế - nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là vấn đề nhận thức, mà là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp phải thích ứng.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (UEB) - chia sẻ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Ảnh: Phan Anh
TS. Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (UEB) - nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Đảng, Chính phủ quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực mới, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
"Đây không còn là vấn đề chỉ dừng ở nhận thức hay do dự, mà là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng và chuyển đổi" - ông Việt chia sẻ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững” ngày 28.3.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyển đổi xanh không phải là cuộc đua cạnh tranh đơn thuần, mà là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.
"Cuộc đua tiếp sức này kéo dài, có những nhiệm vụ có thể thực hiện ngay trong năm nay hoặc trong thời gian tới, nhưng cũng có những nhiệm vụ cần phân chia lộ trình dài hạn, từ nay đến giai đoạn 2030 - 2050" - ông Việt nói.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã hội nhập nhanh trong nhiều lĩnh vực, từ chế biến thực phẩm đến ngành dịch vụ... Về cơ bản, các doanh nghiệp đều thích ứng, bước đầu tham gia vào công cuộc đó. Rõ ràng, việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu.
TS. Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, một điểm khác mà doanh nghiệp được hưởng lợi lớn, đó là thương hiệu, sản phẩm được chứng nhận xanh, vượt qua rào cản thuế quan... Đối với người dân Việt Nam, khi đạt đến mức thu nhập cao hơn, bản thân nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ cao hơn, được thụ hưởng những sản phẩm và dịch vụ giá trị cao.
Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội, hiểu rõ về cơ chế chính sách và thể chế toàn cầu lẫn trong nước, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhà nước, các nhà đầu tư hoặc tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài.
Bên cạnh những cơ hội, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức, từ chuyển đổi công nghệ đến khả năng tiếp cận vốn... Thực tế, từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình dài, về mô hình kinh doanh, nhân lực, năng lực quản lý ở mỗi doanh nghiệp lại khác nhau.
Về vấn đề tiếp cận công nghệ, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: "Việc đòi hỏi các doanh nghiệp chuyển đổi không phải điều dễ dàng. Các nước hoặc doanh nghiệp toàn cầu có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ cho chúng ta, trong khi văn hóa kết nối giữa nhà trường, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để triển khai hay học hỏi còn hạn chế".
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, điểm mấu chốt là thể chế chính sách hiện nay chưa thực sự theo kịp khả năng, nhu cầu chuyển đổi của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
"Về thể chế chuyển đổi xanh, cần phân loại các ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên đầu tư, tín dụng... Trong khi đó, chúng ta chưa có được cơ chế này. Ví dụ, với tín chỉ carbon, thị trường đòi hỏi tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch... nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay" - ông Việt đánh giá.
TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: "Việc nghiên cứu, đối thoại giữa doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu vô cùng quan trọng". Ông cho hay, điều này sẽ tạo cơ hội mới, thúc đẩy cải cách thể chế và xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
https://laodong.vn/kinh-doanh/thieu-co-che-uu-tien-nganh-nghe-chuyen-doi-xanh-1483365.ldo
PHƯƠNG ANH (BÁO LAO ĐỘNG)