Chuyển mình mạnh mẽ hướng tới giáo dục toàn diện
Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên hoàn tất chu trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) ở tất cả các cấp học.
Giáo viên, học sinh hào hứng với chương trình mới. Ảnh: Trang Hà
Từ bỡ ngỡ đến thích thú
Năm học 2024-2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi chương trình GDPT sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học, gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây là giai đoạn quyết định để đánh giá toàn diện quá trình đổi mới, tạo tiền đề cho một nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện.
Khi chương trình GDPT chính thức triển khai, nhiều giáo viên bày tỏ sự bỡ ngỡ trước những thay đổi lớn về nội dung, phương pháp dạy học cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá.
Cô Lê Thị Uyên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên), chia sẻ rằng thời gian đầu áp dụng chương trình GDPT 2018, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc làm quen với phương pháp và cách tiếp cận mới. Chương trình yêu cầu giáo viên linh hoạt, thay đổi thói quen giảng dạy, thúc đẩy học sinh tự học và sáng tạo.
Theo cô Uyên, phương pháp mới tập trung phát triển năng lực, tăng cường tương tác, khuyến khích học sinh chủ động khám phá kiến thức. Để thích nghi, cô đã điều chỉnh cách thiết kế bài giảng, đẩy mạnh hoạt động nhóm và ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Đến nay, nhờ vào sự chủ động thích ứng và nỗ lực đổi mới, đội ngũ giáo viên đã chuyển từ sợ thành thích thú. Và chương trình GDPT đã từng bước đi vào thực tiễn với những hiệu quả rõ rệt.
“Đến nay, tôi nhận thấy học sinh có tư duy phản biện tốt hơn, kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề cũng được cải thiện. Đặc biệt, việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực giúp học sinh tránh học thuộc máy móc. Giáo viên không còn chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đồng hành, hỗ trợ học sinh trong quá trình tự học và rèn luyện kỹ năng mềm”, cô Uyên chia sẻ.
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đề thi được thiết kế theo hướng mở, giảm tải kiến thức học thuộc, tăng cường tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của học sinh.
Trước những đổi mới về hình thức thi và chương trình học, cô Đặng Thị Lan Anh - giáo viên Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội) khuyên học sinh cuối cấp cần nắm vững cấu trúc đề thi để có chiến lược ôn tập hợp lý, rèn luyện kỹ năng theo từng dạng bài, áp dụng linh hoạt vào thực tế và sử dụng tài liệu chính thống như sách giáo khoa, đề minh họa của Bộ GDĐT. Đồng thời, cần sắp xếp thời gian ôn tập khoa học để đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi quan trọng.
Theo các giáo viên, đây là năm học then chốt, tạo đà cho đổi mới giáo dục, nên toàn ngành đang dồn lực và kỳ vọng vào bước chuyển mình mạnh mẽ.
Lấy người học làm trung tâm
Ngành Giáo dục xác định, năm học 2024 - 2025 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 với nhiều giải pháp, nhiệm vụ lớn. Trong đó, đổi mới thi cử, tiến tới giảm áp lực, đánh giá đúng trình độ của học sinh là bước đột phá.
Nhiều chuyên gia từng nhấn mạnh - quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” sẽ là một phương hướng, một kiểu dạy học phù hợp với yêu cầu của thời đại mới - giáo dục để tạo nên những con người tự chủ, sáng tạo, trở thành những công dân toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng với kỳ vọng lớn, hướng tới những mục tiêu dài hạn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh đổi mới toàn diện.
Theo bà Hương, để phụ huynh, học sinh, giáo viên và toàn xã hội hiểu rõ những giá trị cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới cần có thêm các hoạt động tư vấn, tập huấn và tuyên truyền đầy đủ, bài bản. Việc triển khai chương trình cần được thực hiện thống nhất từ cấp quản lý đến từng nhà trường, đảm bảo sự đồng thuận và nhất quán trong cách tiếp cận.
TS. Vũ Thu Hương cho hay, trong bối cảnh giáo dục được kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, việc gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục và thực tiễn là yêu cầu cấp thiết. Học sinh không chỉ học kiến thức trong sách vở mà cần được rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm qua môi trường thực tế. Giáo dục cần vượt ra khỏi khuôn khổ sách giáo khoa, gắn liền với đời sống thông qua hoạt động trải nghiệm, khám phá và đóng góp cho cộng đồng.
https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-minh-manh-me-huong-toi-giao-duc-toan-dien-1484497.ldo
Thanh Hằng (BÁO LAO ĐỘNG)