Người lao động cần cảnh giác với chiêu lừa đảo tuyển dụng
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm, tuyển dụng trên mạng xã hội nhưng thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người dân nhẹ dạ dễ dàng mắc bẫy.
Mạo danh các thương hiệu lớn để tuyển dụng
Lợi dụng danh nghĩa của các thương hiệu lớn, uy tín để tuyển dụng không phải là chiêu trò mới nhưng chiêu trò này ngày càng mánh khóe, tinh vi và phức tạp hơn… khiến không ít trường hợp người lao động bị mắc bẫy. Thủ đoạn của các đối tượng thường là lập các website, trang MXH giả mạo doanh nghiệp, sau đó sử dụng website, trang MXH giả mạo này để đăng tải thông tin giả về việc tuyển dụng nhân sự nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền đăng ký tuyển dụng nhân sự của các cá nhân có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, kẻ mạo danh còn yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn. Tiếp đó, kẻ xấu yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử... để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh.
Mới đây, Unilever Việt Nam (Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam) vừa đưa ra cảnh báo một số cá nhân đã mạo danh phòng nhân sự của công ty để tuyển dụng, lừa đảo tiền của người lao động. Theo ghi nhận của Unilever Việt Nam, đối tượng lừa đảo đã lập các tài khoản trên Tiktok, lập website giả mạo website công ty để đăng thông tin tuyển dụng nhằm “giăng bẫy” người lao động.
Thủ đoạn lừa đảo rất bài bản. Đối tượng lừa đảo giả mạo là người giữ chức vụ Phụ trách quan hệ lao động của Unilever Việt Nam, đăng thông tin tuyển dụng, môi giới ứng tuyển việc làm xuất khẩu lao động trên trang cá nhân, sau đó lập website giả mạo để tạo sự tin cậy cho người lao động. Người ứng tuyển được gửi phiếu (form đăng ký online) “Ứng tuyển nhân viên hỗ trợ văn phòng”. Sau đó, đối tượng kêu gọi người ứng tuyển ứng tiền.
Tinh vi hơn, đối tượng còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký và dấu mộc của công ty để tạo sự tin tưởng. Ứng viên sau khi chuyển tiền sẽ nhận biên lai và chờ đợi. Chờ quá thời hạn được hứa hẹn mà không có hồi âm, tìm thông tin trang cá nhân của người thu tiền cũng không thấy, người lao động chỉ biết mình bị lừa khi đến Unilever Việt Nam để hỏi thực hư thông tin tuyển dụng.
Hiện nay, các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng… Vì vậy, người lao động khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào thì cần thận trọng kiểm tra thông tin ở các nguồn tin chính thống của doanh nghiệp.
Ứng viên có thể kiểm tra kỹ thông tin bằng nhiều cách: gõ trực tiếp tên miền của tổ chức, doanh nghiệp mình muốn ứng tuyển vào cửa sổ trình duyệt để truy cập trực tiếp, không nên truy cập vào đường link nhận được hoặc có thể gọi điện trực tiếp vào số hotline của doanh nghiệp để kiểm tra chéo thông tin trước khi đưa ra quyết định.
Lừa đảo tuyển dụng xuất khẩu lao động
Lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động ngày một tăng cao đặc biệt là lao động trẻ tuổi, muốn nhanh đổi đời mà không cần học hành, hay làm việc nặng nhọc, thủ tục đơn giản. Các đối tượng đã thực hiện chiêu trò tuyển dụng lao động với mức hấp dẫn để lừa đảo.
Gần đây xuất hiện nhiều vụ việc mạo danh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung tâm Lao động ngoài nước để lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc và Australia (Úc). Các đối tượng lừa đảo còn mạo danh văn bản có chữ ký của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước, kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với các đối tác nước ngoài.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động cần liên hệ trực tiếp với cơ quan lao động địa phương để được tư vấn và hỗ trợ đúng quy định.
Người lao động chỉ làm thủ tục qua doanh nghiệp được cấp phép. Danh sách này có trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Lao động ngoài nước: http://dolab.molisa.gov.vn (tại mục: danh sách doanh nghiệp XKLĐ).
Kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp và tài khoản nhận tiền: Người lao động trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (không nộp tại Chi nhánh của doanh nghiệp); yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung: tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, tên thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận). Đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế,...).
Trường hợp nộp tiền qua chuyển khoản, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ. Người lao động lưu ý, không giao dịch qua trung gian hoặc cá nhân không rõ danh tính.
Khi có vấn đề phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp dịch vụ, các đối tượng mạo danh nhân viên doanh nghiệp dịch vụ, đề nghị phản ánh tới cơ quan chức năng (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...) để được hướng dẫn và xử lý.