Ngày 24.8, tại Quy Nhơn, Bình Định, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức diễn đàn phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và đào tạo kỹ năng nghề cho lao động trẻ.
Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công TLĐ Đỗ Hồng Vân cùng hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Bình Định.
Giải thích lý do chọn Bình Định cho sự kiện truyền thông này, bà Đỗ Hồng Vân cho biết: “Đây là tỉnh có nhiều cơ sở khai thác, chế biến nông lâm, thủy sản. Trong nhà máy, có thể doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em nhưng không thể khẳng định không có lao động trẻ em trong các khâu khai thác hoặc sơ chế sản phẩm”.
Bà Đỗ Hồng Vân kêu gọi: “Trách nhiệm của tổ chức công đoàn và công nhân lao động là chung tay phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như tuyên truyền cho người thân, bạn bè, những người xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, tránh cho các em tham gia lao động sớm, lao động trái quy định pháp luật và trở thành lao động trẻ em”.
Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2018, Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế, lứa tuổi dao động từ 5-17 tuổi. Nhiều trường hợp trong số này là lao động trẻ em, không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, tương lai các em mà còn mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội.
Trong thông điệp gửi tới diễn đàn, Quyền Trưởng Phòng Chính sách và xã hội UNICEF tại Việt Nam Nguyễn Thị Thanh An nhấn mạnh: “Cần có những hành động toàn diện để giải quyết những nguyên nhân sâu xa, đa chiều. Cần sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội để bảo vệ quyền của các em. Mục tiêu tối thượng là mọi trẻ em phải được sống, học tập và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh”.
Về lao động trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh An nhận định, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ vô cùng năng động. Đây là tài nguyên quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ mới và sự thay đổi của thị trường, lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng cần thiết để thích ứng.
“Việc UNICEF hợp tác với Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về lao động trẻ em cũng như lao động chưa thành niên là rất cần thiết. Chúng tôi tin tưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam với uy tín và mạng lưới rộng khắp của mình, sẽ chuyển tải thông tin hiệu quả tới người lao động. Sự hợp tác này sẽ giúp các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt được những thay đổi tích cực trong hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cũng như bảo vệ, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động trẻ”, bà An bày tỏ.
Diễn đàn được điều hành, dẫn dắt bằng phong cách trẻ trung, sôi nổi của giảng viên Nguyễn Thị Minh Hương (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam). Hơn 300 đoàn viên, công nhân, lao động đã hào hứng tham gia những tình huống trắc nghiệm, đố vui có thưởng, giải đáp thắc mắc liên quan đến tri thức xã hội - pháp luật về quyền trẻ em; về lao động trẻ em; dấu hiệu nhận diện tình trạng lạm dụng lao động trẻ em; cách thức tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; tư vấn, trị liệu tâm lý; kết nối dịch vụ can thiệp bảo vệ trẻ; hỗ trợ, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động trẻ…