Nhiều doanh nghiệp nâng bữa ăn ca, bữa ăn khi phải làm thêm giờ để bảo đảm sức khỏe NLĐ. Ảnh minh họa: Hoàng Khôi
Tăng ca đến 80 giờ/tháng
Từ đầu năm 2025 đến nay, do công ty tăng ca thường xuyên nên chị Vũ Thị Quỳnh (33 tuổi, công nhân KCN VSIP) phải thuê người đưa đón con học lớp 3 với chi phí 2 triệu đồng/tháng.
“Ngày nào cũng tăng ca 2-4 tiếng, thu nhập mỗi tháng tăng 6-7 triệu đồng, sinh hoạt chi tiêu gia đình cũng thoải mái hơn” - chị Quỳnh cho hay. Cũng theo chị Quỳnh, công ty có tăng ca là một trong tiêu chí chị lựa chọn nơi làm việc, bởi lẽ nếu không tăng ca, thu nhập “không đủ ăn”.
Công ty TNHH Maple (KCN VSIP) khoảng nửa năm trở lại đây thường xuyên phải huy động NLĐ tăng ca, có những tháng tăng ca đến 70-80 tiếng. NLĐ cho biết, có thời điểm, công ty huy động tăng ca cả ngày Chủ nhật để bảo đảm đơn hàng. Theo công đoàn cơ sở, tăng ca thường xuyên giúp NLĐ có thu nhập cao, có thể lên tới 20-25 triệu đồng/tháng.
Cũng theo đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, quý I/2025, 86,4% các doanh nghiệp có đơn hàng tăng và ổn định, số còn lại đơn hàng giảm nhưng không đáng kể. Đến nay, 94 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 8.433 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp rất khó khăn. Do vậy, để giải quyết đơn hàng trước mắt, nhiều doanh nghiệp phải huy động công nhân làm thêm giờ.
Một khảo sát của Công đoàn Khu kinh tế, thu nhập của NLĐ các khu công nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền làm thêm giờ. NLĐ làm thêm giờ có thể tích lũy gần 20 triệu đồng/năm nhưng NLĐ không làm thêm giờ hầu như không có khoản tích lũy (chỉ khoảng 500.000 đồng/năm). Để đảm bảo mức sống và có tích lũy, nhiều NLĐ phải làm thêm giờ dù điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình.
Tăng cường giám sát về chế độ làm thêm giờ
Ngoài việc bảo đảm tiền lương làm thêm giờ, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quan tâm chăm lo bữa ăn cho NLĐ khi phải tăng ca. Tại Công ty TNHH KORG Việt Nam (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), công ty quy định mức ăn ca chính 30.000 đồng/suất; mức ăn ca khi làm thêm giờ dao động 24.000 - 30.000 đồng/suất; mức ăn ca khi làm ca đêm là 38.000 đồng/suất.
Còn tại Công ty TNHH IKO Thompson (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), NLĐ làm thêm giờ vào ngày thường, làm thêm từ 2 giờ trở lên tiền ăn ca là 12.000 đồng/người/bữa ăn, từ 3 giờ trở lên, tiền ăn tăng ca là 20.000 đồng/người/bữa ăn…
Bên cạnh đó, Công đoàn Khu kinh tế chỉ đạo công đoàn cơ sở tham gia xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương và phúc lợi theo chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Theo báo cáo chế độ chính sách năm 2025 của các công đoàn cơ sở, Khu kinh tế Hải Phòng có 92,4% doanh nghiệp áp dụng tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (14,7%) với mức bình quân 5.698.000 đồng. Riêng trong quý I/2025, 123/345 doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1.1.2025 với mức bình quân 5%.
Công đoàn Khu kinh tế cũng phối hợp công đoàn cơ sở giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến làm thêm giờ; nắm bắt tình hình dư luận công nhân khi phải tăng ca, làm thêm giờ thường xuyên dẫn đến bức xúc.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp không tăng ca khó tuyển dụng, khó giữ chân được NLĐ bởi lẽ mức lương tối thiểu như hiện tại chưa bảo đảm mức sống, mức chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của NLĐ. Công đoàn Khu hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định về làm thêm giờ, lấy ý kiến NLĐ trước khi huy động làm thêm giờ để tránh phát sinh mâu thuẫn. Cùng với đó, tiếp tục thương lượng tiền lương, phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc vào thỏa ước lao động tập thể, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập để NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho hay”.
https://laodong.vn/cong-doan/kho-tuyen-lao-dong-doanh-nghiep-o-hai-phong-huy-dong-tang-ca-1485389.ldo