Chị Trần Thị Bích Gấm (24 tuổi) - công nhân may tại Nam Định - có thu nhập dao động từ 11 đến 15 triệu đồng/tháng. "Những tháng đạt 14 triệu đồng trở lên, ai cũng trầm trồ nhưng với tôi, để có mức tiền lương đó, tôi đã rất vất vả" - chị Gấm nói.
Tháng đạt lương cao chủ yếu dựa vào mã hàng có đơn giá tốt, đồng thời chị phải ở lại tăng ca nhiều.
Những lần tăng ca muộn, chị Gấm cho biết, về đến nhà lúc nào người cũng mệt mỏi, không còn sức sống. Vội vàng vệ sinh cơ thể, ngồi ăn cơm một mình cô quạnh bởi bố mẹ, anh chị em đều đã ăn xong xuôi hết.
Chị Gấm chia sẻ, công ty tính lương theo sản lượng nên muốn có lương cao, nữ công nhân phải cố gắng hơn người khác. Nếu không cố gắng, dù mã hàng đơn giá hấp dẫn thì cũng chỉ được mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Chị Gấm - công nhân may mặc - cho biết, chị phải tăng ca và cố gắng làm thật nhanh để ra sản lượng nhiều thì mới đạt lương cao. Ảnh: Minh Hương
“Tay chân lúc nào cũng phải như máy, phối hợp nhịp nhàng để ra sản lượng nhiều trong thời gian ngắn. Hàng nhiều, bận rộn đến mức tôi không có thời gian để đi vệ sinh. Nghỉ giữa ca buổi chiều cũng chỉ tranh thủ 10 phút ăn nhẹ rồi vào làm” - chị Gấm cho hay.
Dù vất vả là thế nhưng theo chị Gấm, đến kỳ lĩnh lương cầm số tiền trên 10 triệu đồng, chị thấy tự hào và xứng đáng. Nữ công nhân dự định cố gắng làm đến năm 30 tuổi. Lúc đó, tích lũy được nhiều vốn, chị sẽ giảm tần suất làm việc hoặc chuyển đổi công việc khác đỡ vất vả hơn.
Dù không làm việc theo sản lượng nhưng Trần Thị Hạnh (39 tuổi) - công nhân giày da - cũng phải đánh đổi rất nhiều thời gian, sức khỏe.
“Lương hàng tháng của tôi được 11,5 triệu đồng nhưng phải tăng ca và làm đêm vì lương tăng ca bằng 150% giờ hành chính. Nếu không làm đêm, chỉ làm ban ngày, tiền lương được khoảng 9,5 triệu đồng/tháng” - chị Hạnh cho hay.
Nữ công nhân chia sẻ, chị thường tăng ca thêm 2,5 tiếng mỗi ngày, đồng thời làm luân phiên 2 tuần ngày, 2 tuần đêm. Khi làm đêm, ngoài lương tăng ca thêm còn có phụ cấp đi kèm và tiền ăn 2 bữa mỗi ngày.
Thu nhập cao, theo chị Hạnh cũng một phần dựa vào các phụ cấp tiền ăn 1,3 triệu đồng, giấy vệ sinh 50.000 đồng, xăng xe, chuyên cần, thâm niên. Nếu bỏ đi các chế độ này, thu nhập tối đa của chị Hạnh chỉ được hơn 9 triệu đồng mỗi tháng dù làm đêm.
Nữ công nhân cho biết, buổi tối về đến nhà là 20h, không còn nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Nếu làm đêm, sáng trở về nhà cũng đã 8h, ăn uống, vệ sinh rồi đi ngủ đến chiều mới dậy, cơ thể rất mệt mỏi và cảm thấy lãng phí thời gian.
Tăng ca muộn, làm đêm thường xuyên cũng khiến sức khỏe của chị Hạnh ngày càng bị ảnh hưởng. Dù mới 39 tuổi nhưng chị Hạnh thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, xuất hiện tóc bạc và sạm da. Mỗi tháng, nữ công nhân phải dành ra 500.000 đồng để mua thuốc bổ uống.
Dự định của chị Hạnh sắp tới sẽ xin sang bộ phận khác làm việc ban ngày một lần nữa. Nếu công ty vẫn không đồng ý, nữ công nhân cho hay có thể xin nghỉ tìm công việc tại công ty khác phù hợp hơn để giữ gìn sức khỏe.
https://laodong.vn/cong-doan/noi-vat-va-sau-muc-luong-10-15-trieu-dongthang-cua-cong-nhan-1486391.ldo