Áp lực tài chính khiến nhiều người lao động do dự sinh thêm con. Ảnh minh họa: Mạnh Cường.
Dù hiện tại con lớn đã gần 4 tuổi nhưng chị Nguyễn Kiều Linh (30 tuổi) - nhân viên văn phòng tại quận Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa có ý định sinh thêm.
Chia sẻ lý do, chị Linh cho biết, gánh nặng tài chính là điều hai vợ chồng lo lắng nhất khi sinh thêm con.
“Chi phí nuôi một đứa trẻ khá tốn kém, mỗi tháng ít nhất 4 triệu đồng. Khi con bắt đầu đi học có thể tiêu hết tháng lương của một người đi làm” - chị Linh trăn trở.
Vợ chồng chị Linh chần chừ chuyện sinh thêm con thứ hai vì gánh nặng kinh tế. Ảnh: NVCC.
Từ tháng 9.2025, học sinh trường công lập trên cả nước sẽ được miễn học phí khi đi học, chị Linh cho hay, học phí ở trường là khoản không tốn kém nhiều. Các khoản như tham gia các lớp năng khiếu, tiếng Anh, ăn uống... mới chiếm nhiều tài chính.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 23 triệu đồng/tháng. Số tiền này ở Hà Nội gần như không còn dư nhiều sau khi trừ hết các chi phí.
Bên cạnh đó, nữ nhân viên cho biết, mỗi lần chăm sóc con cái tốn rất nhiều thời gian và dễ bị stress. Nếu sinh thêm con ở thời điểm hiện tại, chị Linh sẽ càng áp lực. Vì thế, khi người con lớn bước vào tiểu học, hai vợ chồng chị mới tiếp tục tính đến chuyện sinh nở.
“Khi con lớn vào lớp 1 cơ bản đã nhận thức được nhiều vấn đề, tự chăm sóc bản thân thì tôi mới có nhiều thời gian để chăm sóc con thứ hai” - chị Linh nói.
Tài chính có đủ, ổn định để chăm sóc các con hay không cũng là trăn trở khiến anh Trần Ngọc Nguyên (30 tuổi, Nam Định) do dự khi sinh thêm con. Hiện tại, anh Nguyên đã có 2 người con gái, mong muốn sinh thêm bé thứ 3 là con trai.
Anh Nguyên cho biết, cả hai vợ chồng hiện đang là công nhân, thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Dù vậy, chi phí sinh hoạt, học tập của các con cũng đã chiếm gần một nửa.
“Riêng tiền học trên lớp của hai con mỗi tháng cũng hết 2,5 triệu đồng dù ở quê. Tiền học thêm, ăn bán trú, quần áo, sách vở, sữa uống và thức ăn mỗi tháng đơn giản cũng phải 6 - 7 triệu đồng, chưa kể mỗi lần ốm đau đều rất tốn kém” - anh Nguyên nói.
Nam công nhân chia sẻ, khi con ốm, anh phải bắt xe ra Hà Nội khám, mua thuốc, số tiền chi trả mỗi lần không dưới 5 triệu đồng. Đây là điều mà các phụ huynh lo lắng nhất, vừa tốn kém tiền bạc vừa phải xin nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập.
Nói về số tiền còn dư trong tổng thu nhập, anh Nguyên cho hay, vẫn phải tính toán rất kỹ để chi trả sinh hoạt hàng ngày và trả khoản tiền nợ xây nhà. Do đó, anh Nguyên dự kiến sang năm mới tính đến chuyện sinh thêm người con thứ 3.
“Dự kiến giữa năm 2025, vợ chồng tôi sẽ trả xong hết nợ, bắt đầu tiết kiệm tiền. Như vậy sớm nhất cũng phải giữa năm 2026 mới sinh thêm con thứ ba” - anh Nguyên nói.
Trao đổi về một số chính sách đang được đề xuất nhằm hỗ trợ lao động sinh thêm con, anh Nguyên cho rằng, khá thiết thực song vẫn không vơi đi áp lực kinh tế với không ít lao động trẻ hiện nay, nhất là ở thành phố lớn.
Trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất hàng loạt nhóm chính sách, trong đó, Bộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ sinh con thứ 2 từ 6 tháng lên 7 tháng; tạo điều kiện cho phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.
Mặt khác, quyết định không kỷ luật Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên là một trong những nội dung nhằm duy trì mức sinh thay thế, tránh mức sinh tiếp tục giảm thấp.
Bộ Y tế cho biết mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
https://laodong.vn/cong-doan/ganh-nang-kinh-te-nguoi-lao-dong-do-du-sinh-them-con-1480299.ldo