Sáng kiến không chỉ giảm sức lao động mà còn đảm bảo độ chính xác. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sáng kiến từ người thợ đứng máy
Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam, công đoạn cấp linh kiện kim loại vào khuôn đúc vốn là công việc đòi hỏi sự chính xác và liên tục. Trước đây, công nhân phải đứng thao tác thủ công suốt ca làm để lắp từng linh kiện vào máy đúc. Công việc lặp đi lặp lại, đòi hỏi sự tập trung cao, dễ dẫn đến mệt mỏi, sai sót, thậm chí nguy cơ tai nạn lao động nếu sơ suất.
Nhận thấy những bất cập trong phương pháp cũ, một nhóm công nhân kỹ thuật tại xưởng đã bắt tay vào cải tiến thiết bị. Sau thời gian tìm tòi, thử nghiệm, họ đã chế tạo thành công máy cấp linh kiện kim loại tự động, giúp toàn bộ quy trình trở nên khép kín và tự động hóa hoàn toàn.
Anh Đào Tiến Sơn - Phó phòng Sản xuất của công ty - cho biết: “Máy mới sẽ tự động xếp linh kiện vào vị trí cố định và đưa chúng vào khuôn đúc mà không cần công nhân thao tác. Không chỉ giảm sức lao động mà còn đảm bảo độ chính xác, đồng đều cho sản phẩm, hạn chế sai lỗi”.
Từ khi sáng kiến được đưa vào ứng dụng, hiệu quả rõ rệt, năng suất tăng, thời gian đúc giảm, chất lượng ổn định. Đặc biệt, chi phí nhân công và hao hụt vật tư được cắt giảm đáng kể. Theo ước tính, sáng kiến đã giúp công ty thu lợi hơn 300 triệu đồng mỗi năm, một con số rất đáng kể đối với hoạt động sản xuất linh kiện công nghiệp.
Điều đáng nói là sản phẩm này không phải do bộ phận nghiên cứu - phát triển thực hiện mà đến từ chính những người trực tiếp đứng máy. Họ là người hiểu rõ quy trình vận hành, những điểm nghẽn kỹ thuật và nhu cầu thực tiễn nhất của dây chuyền sản xuất.
“Chúng tôi rất khuyến khích anh em công nhân đóng góp sáng kiến. Khi người lao động được tin tưởng, trao quyền, họ sẽ chủ động và sáng tạo hơn nhiều” - anh Sơn chia sẻ thêm.
Trực tiếp làm việc với thiết bị mới, chị Đặng Thị Thanh, công nhân vận hành máy đúc thông tin: “Từ khi có sáng kiến này, chúng tôi đỡ vất vả hơn hẳn. Không cần thao tác liên tục mà máy vẫn hoạt động đều, sản phẩm đẹp, hiệu suất tăng rõ rệt. Chiếc máy như tiếp thêm động lực để anh em công nhân tiếp tục suy nghĩ, cải tiến”.
Từ một sáng kiến nhỏ trong nhà xưởng, thành công của nhóm công nhân kỹ thuật không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.
Kết nối đào tạo - sản xuất
Không dừng lại ở một sáng kiến cụ thể, công ty còn có tầm nhìn dài hạn về phát triển con người. Từ năm 2024, Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam đã chính thức liên kết với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo bài bản đội ngũ kỹ thuật viên.
Một phòng đào tạo thiết kế - sản xuất khuôn mẫu và vận hành máy đúc được thành lập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, do hai bên cùng phối hợp tổ chức. Tại đây, kỹ sư trẻ, công nhân lành nghề và sinh viên thực tập được tiếp cận với dây chuyền máy móc hiện đại và thực hành sát với thực tế sản xuất.
Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ đào tạo được công ty đầu tư 100%. Đồng thời, công ty cũng thường xuyên cử kỹ thuật viên lên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội học tập nâng cao, cập nhật công nghệ mới.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và tự động hóa đang diễn ra mạnh mẽ, những sáng kiến thực tiễn như vậy có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp sản xuất. Nó không chỉ là cải tiến kỹ thuật, mà còn là bước đi chiến lược hướng tới công nghiệp hiện đại.
Việc kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt cho bất kỳ mô hình sản xuất thông minh nào trong tương lai.
https://laodong.vn/cach-lam-hay-tu-co-so/sang-kien-tu-nguoi-tho-dung-may-giup-tiet-kiem-300-trieu-dongnam-1499373.ldo