Trả cho AI 500 nghìn đồng/tháng, thuê nhân sự mất 15 triệu đồng/tháng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hà Anh Tuấn - CEO Vinalink Media JSC. chia sẻ câu chuyện thực tế tại chính doanh nghiệp của mình: “Tôi đã thử nghiệm khi cần tóm tắt một cuộc họp, cho nhân sự hành chính và một chatbot cùng thực hiện. Kết quả, chatbot vượt trội về độ chính xác, đầy đủ và đúng giờ, với chi phí chỉ 500 nghìn đồng/tháng so với 15 triệu đồng cho nhân sự. Việc con người mất việc vì AI là điều rõ ràng,” ông Hà Anh Tuấn nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Tuấn, ứng dụng AI trong thị trường lao động, việc làm có thể phân chia thành 4 nhóm chính.
Thứ nhất, sử dụng AI để tìm kiếm cái profile tốt hoặc tự động lọc data ứng viên. AI có thể check trên mạng để xem ứng viên/nhân sự nào từng có “vết” hoặc có yếu tố không phù hợp yêu cầu tuyển dụng.
Thứ hai là loại ứng dụng tự động đưa ra các mô tả cụ thể về công việc.
Thứ ba là AI tự động phỏng vấn chứ mình không phải phỏng vấn nữa. Ứng viên sẽ nói chuyện với “con bot”, “con bot” sẽ tự phỏng vấn, thậm chí đủ khả năng đưa ra câu hỏi “móc” ứng viên.
Thứ tư là ứng dụng rất hay và doanh nghiệp đang dùng nhiều nhất là so sánh “con bot” và nhân sự đảm nhiệm công việc tương đương.
Ông Hà Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, AI đang phục vụ thị trường lao động, việc làm và sẽ tạo ra cách mạng hoàn toàn với thị trường việc làm. Nguy cơ AI cướp đi một số việc làm là chắc chắn.
Chung quan điểm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, AI liên quan trực tiếp đến vấn đề việc làm, AI sẽ có tác động to lớn trong việc tạo ra nhiều cơ hội và việc làm mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho một số ngành khi sẽ lấy mất việc của nhiều người.
“Có chuyên gia đã cảnh báo gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ chịu tác động, trong đó các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi sẽ chứng kiến 60% việc làm bị ảnh hưởng, đối với các nước có thu nhập thấp thì tỉ lệ này thấp hơn (khoảng 26%)”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, việc áp dụng AI đối với Việt Nam, trong các năm tới, nhiều công việc hiện tại sẽ giảm hoặc không còn và cũng có nhiều công việc mới ra đời, dẫn đến sự thay đổi nhân sự là tất yếu, trong đó công nghệ đóng vai trò quyết định.
Đặc biệt, đối với những ngành nghề có tính chất lặp đi lặp lại, công nghệ có thể thay thế thì sẽ giảm dần và tiến tới thay thế một cách tối đa như kết toán, nhân viên giao dịch, nhân viên nhập dữ liệu... Do đó, cần có đánh giá, dự báo lĩnh vực, công việc, mức độ chịu sự tác động của AI để có những giải pháp về nhân lực...
2 nghịch lý lớn khi ứng dụng AI
Chia sẻ với Lao Động, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Cổ phần Anphabe - cho hay, theo khảo sát của Anphabe, có 2 nghịch lý lớn trong việc ứng dụng AI.
Một là, người đi làm có nhu cầu sử dụng AI cao và nhận thấy tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này trong công việc, nhưng lại thiếu hụt các kỹ năng liên quan đến công nghệ.
Hai là, mặc dù AI mang lại sự hỗ trợ ấn tượng trong hiệu suất làm việc, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng AI trong doanh nghiệp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng mà công nghệ này có thể mang lại.
Nghịch lý thứ nhất, theo khảo sát của Anphabe, hơn 70% người đi làm đánh giá kỹ năng công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng năng lực thì chưa tương xứng.
Nghịch lý thứ hai nằm ở sự chênh lệch giữa nhận thức của người lao động về AI và mức độ thực thi của doanh nghiệp trong ứng dụng AI. Về phía nhân viên, AI mang lại luồng gió mới trong công việc, khi có đến 91% tin rằng AI giúp tăng hiệu suất làm việc, và 72% cảm thấy đam mê, hứng thú hơn với công việc nhờ sự hỗ trợ của công cụ này. Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp, chỉ 27% doanh nghiệp tại Việt Nam đã tích hợp AI vào quy trình kinh doanh - một con số khiêm tốn so với tiềm năng mà công nghệ này có thể mang lại.
“Nguyên nhân chính là do lãnh đạo doanh nghiệp còn dè dặt, chưa nhận thức đầy đủ và hệ thống về tiềm năng của AI trong việc nâng cao hiệu quả công việc và trải nghiệm nhân viên,” bà Thanh Nguyễn khẳng định.
Hiện chưa có nhiều dữ liệu cụ thể từ Anphabe để xác định mức độ số hóa thị trường việc làm tại Việt Nam, nhưng công nghệ, đặc biệt là AI, đang âm thầm thay đổi cách người lao động tìm việc, tuyển dụng và trong các công việc hàng ngày.
“AI là kẻ cướp việc làm hay người mở đường cơ hội? Câu trả lời nằm ở cách doanh nghiệp và người lao động chuẩn bị đối mặt với làn sóng công nghệ”, bà Thanh Nguyễn nhận định.
https://laodong.vn/cong-doan/ai-se-dinh-hinh-lai-thi-truong-viec-lam-1436413.ldo