Tăng tốc tuyển dụng lao động cuối năm
Công ty TNHH Nhật Việt (quận Hải An, Hải Phòng) hiện tạo việc làm cho hơn 400 lao động với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt - cho biết: Năm 2024, công ty xuất khẩu nửa triệu sản phẩm giày dép Vento ra thị trường Trung Đông, Trung Quốc và Nhật Bản. So với thiết kế ban đầu của nhà máy là 1 triệu đôi/năm, sản lượng năm nay mới đạt 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty thiếu lao động trầm trọng, bởi lẽ để đạt 1 triệu sản phẩm/năm, công ty phải có 800 lao động nhưng đến nay mới được một nửa số lao động này.
“Đơn hàng dồi dào nhưng lại thiếu lao động. Công ty liên tục đăng thông báo tuyển dụng, đến cả các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm kiếm lao động. NLĐ từ Lào Cai, Yên Bái về làm việc còn được công ty thuê nhà cho ở cùng nhiều chế độ chăm lo khác nhưng bộ phận này thường không gắn bó lâu dài. Trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán, công ty cần thêm khoảng 100 lao động để kịp tiến độ các đơn hàng và sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm cho năm 2025” - ông Thăng chia sẻ.
Không chỉ tại Công ty TNHH Nhật Việt, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng đang rốt ráo tuyển dụng lao động dịp cuối năm.
Tại phiên giao dịch việc làm ngày 12.12 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng tổ chức, 18 doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Chế tạo túi khí ôtô, các linh kiện điện tử; gia công cơ khí, gia công nhựa, sản xuất giày da, gia công áo len, may mặc… tham gia tuyển dụng số lượng hàng nghìn người.
Tại ngày hội tuyển dụng Khu công nghiệp DEEPC 2 (phường Đông Hải 2, Hải An) cũng thu hút 25 doanh nghiệp như Pegatron, Tesa, Shinetsu, Assa Abloy, Knauf... tham gia tuyển dụng hơn 1.000 vị trí thuộc nhiều lĩnh vực kỹ sư, kế toán, nhân sự, nhân viên kinh doanh, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông...
Nâng cao chế độ phúc lợi để thu hút lao động
Theo thống kê của UBND TP Hải Phòng, năm 2024, thành phố tổ chức 56 phiên giao dịch việc làm với 1.050 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng là 140.000 lượt lao động. Tuy vậy, mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do thu nhập không đáp ứng được mức sống kỳ vọng nên NLĐ xem xét chuyển sang làm công việc phi chính thức thu nhập cao hơn. Các địa phương khác cũng đang phát triển nhiều KCN nên lực lượng lao động nhập cư tại Hải Phòng có xu hướng trở về địa phương làm việc.
Để giải quyết tình trạng này, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác, đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo của thành phố, bảo đảm nguồn lao động có tay nghề phục vụ sản xuất. Cùng với đó, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cùng với các thiết chế cần thiết để thu hút NLĐ ngoại tỉnh làm việc, gắn bó lâu dài với Hải Phòng.
Các cấp công đoàn TP Hải Phòng cũng hỗ trợ bằng việc đăng thông báo tuyển dụng, đăng tin việc làm của các doanh nghiệp qua hệ thống mạng xã hội các cấp công đoàn và ứng dụng Hướng Công - Công đoàn Hải Phòng...
Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động tại doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất doanh nghiệp cải thiện lương, thưởng, chế độ phúc lợi... Từ đó, thu hút, giữ chân lao động đến làm việc, hạn chế tình trạng biến động lao động, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
https://laodong.vn/cong-doan/thieu-lao-dong-nhieu-doanh-nghiep-hai-phong-chi-dat-50-san-luong-1436420.ldo