Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Bảo Hân
Sáng 22.4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chủ trì.
Bà Trần Thị Thanh Hà cho biết, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11.2024); dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).
Bà Trần Thị Thanh Hà đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến đối với toàn bộ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trọng tâm là một số vấn đề, như: Đảm bảo việc làm bên cạnh bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xây dựng bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện; điều kiện vay vốn để hỗ trợ đi làm việc tại nước ngoài; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Trên cơ sở kết quả hội nghị hôm nay, Tổng Liên đoàn sẽ có văn bản chính thức gửi cơ quan soạn thảo, để kịp hoàn thiện đưa ra trình Quốc hội nghiên cứu, thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Trình bày những điểm mới của Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định "thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu" tại Khoản 2, Điều 44.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Bảo Hân
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, lý do dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định này là bởi tinh thần đổi mới tư duy khi xây dựng pháp luật là không quy định lại những quy định trong nghị định, thông tư - những văn bản dưới luật, thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Sự thay đổi trong dự thảo luật được tiếp thu từ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Điều 44 trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định như sau:
Điều 44. Mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng và hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Hiện tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH có quy định như sau: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31.7.2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
https://laodong.vn/cong-doan/bo-quy-dinh-thoi-gian-dong-bao-hiem-that-nghiep-tren-144-thang-thi-khong-duoc-bao-luu-1495177.ldo