Công tác hậu cần theo các tổ đội sản xuất
Tại Công ty Cổ phần Cơ khí Hòn Gai - Vinacomin, năm 2024, công ty nhận nhiều công trình giá trị lớn, tuy nhiên lại ở xa công ty. Để công nhân, người lao động gắn bó với công trường, đẩy nhanh tiến độ công việc, lãnh đạo công ty, công đoàn đã bố trí công tác hậu cần đi kèm tới chân công trình.
Anh Vũ Trung Hiếu - Đội trưởng đội kết cấu Công ty Cổ phần Cơ khí Hòn Gai Vinacomin - cho biết: “Hiện công ty có 3 tổ đội sản xuất ăn ngủ nghỉ gần công trình. Đội đang làm công trình băng tải cảng Hồng Thái Tây, TP Đông Triều, cách công ty 80km. Do đó, công ty đã tạo điều kiện cho tổ đội thuê 1 căn hộ đầy đủ tiện nghi, có người nấu ăn riêng đảm bảo sức khỏe cho anh em. Tiếp đến, chế độ tiền thưởng, tiền bồi dưỡng xa nhà đều được công ty hỗ trợ. Trước sự quan tâm của lãnh đạo, chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Hiện anh em đang làm các thủ tục nghiệm thu công trình”.
Ông Nguyễn Văn Rực - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí Hòn Gai - Vinacomin - cho biết, công ty có 144 người lao động. Tùy theo điều kiện vị trí làm việc, công ty sẽ bố trí chỗ ở cho công nhân gần nơi làm việc, các nơi này có người cấp dưỡng phục vụ ăn uống cho người lao động. Tất cả những dụng cụ sinh hoạt thiết yếu công ty trang bị đầy đủ để người lao động đảm bảo sức khỏe.
Tại tổ đội lao động ăn ngủ nghỉ gần công trình như vậy, thu nhập bao giờ cũng cao hơn ở những vị trí khác, trong đó có 30% số lao động xa nhà có thu nhập hằng tháng khoảng 20 triệu đồng/ tháng. Hiện, thu nhập bình quân người lao động đang là 11 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đang nghiên cứu xây dựng các căn nhà di động tiện nghi để phục vụ cho công nhân trong tương lai.
Hiện đại hóa, cơ giới hóa hầm lò vì người lao động
Năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dành hơn 2.000 tỉ đồng để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, áp dụng các thiết bị tự động hóa tại các mỏ hầm lò, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Tiêu biểu, tại Mỏ than Hà Lầm, việc đưa vào sử dụng hệ thống giàn chống thủy lực hiện đại trị giá 120 tỉ đồng đã giúp giảm đáng kể thời gian và rủi ro trong khai thác than. Tại Mỏ than Núi Béo, hệ thống băng tải than dài hơn 4km, đầu tư gần 300 tỉ đồng, đã thay thế vận chuyển thủ công, giảm bụi và tiếng ồn đáng kể...
Theo thông tin từ Công đoàn TKV, để cải thiện điều kiện đi lại cho thợ mỏ trong hầm lò cũng như tiết giảm sức lực cho người lao động, tăng năng suất, hằng năm các đơn vị quan tâm đầu tư các phương tiện đi lại trong lò, nhằm giúp người lao động giảm tối đa quãng đường phải đi bộ. Đến nay, các đơn vị trong Tập đoàn đã đầu tư 61 tời chở người; 602 xe song loan; 223 tàu điện; 14 monoray và 36 phương tiện hỗ trợ đi bộ khác.
Cải thiện môi trường làm việc không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất mà còn là sự gắn bó giữa NLĐ và doanh nghiệp.
Với sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, Quảng Ninh nói chung và ngành than nói riêng đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong việc chăm lo đời sống và sức khỏe cho NLĐ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
https://laodong.vn/cong-doan/hau-can-tan-cong-trinh-giup-cong-nhan-yen-tam-lam-viec-1445903.ldo