Những điểm mới đáng lưu ý
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Nhóm chính sách quản trị thị trường lao động bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về đăng ký lao động; bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm.
Nhóm chính sách hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Dự thảo luật cũng sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng ngoài người sử dụng lao động, người lao động đóng còn có sự tham gia của Nhà nước (tối đa 1%), do ngân sách Trung ương đảm bảo.
Nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề bổ sung quy định về mục đích và nội dung phát triển kỹ năng nghề; Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; Trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục về phát triển kỹ năng nghề; Hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề…
Nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm. Trong đó, có sự tham gia của ngân sách Trung ương, nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, ngân sách địa phương và nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Mở rộng đối tượng được vay
Anh Trần Đức Ninh (quê Thanh Hóa) là lao động xuất khẩu đang làm việc tại nhà máy chế biến nhựa ở tỉnh Tochigi, thành phố Ashikaga, Nhật Bản.
Ngày 5.1, từ Nhật Bản, trao đổi với PV Lao Động, anh Ninh cho biết, lần đầu tham gia xuất khẩu lao động năm 2015, anh và gia đình phải rất vất vả lo chi phí cố định đóng cho công ty phái cử tại Việt Nam khoảng 6.000 USD; chưa kể các chi phí phát sinh khác.
“Tôi nhớ thời điểm đó, tổng số tiền để đi khoảng gần 180 triệu đồng. Gia đình chỉ có chưa đến 1/3 kinh phí, số còn lại đi vay. Sang Nhật Bản làm việc, tôi đã tích góp lương để trả dần. Khi đó cũng không được vay nguồn vốn ưu đãi gì” - anh Ninh nói.
Dự kiến Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 05 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội…
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định, vấn đề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn là vấn đề được người lao động và gia đình họ đặc biệt quan tâm. Nhiều người lao động mong muốn được tiếp cận và vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
“Dự thảo Luật Việc làm nắm bắt đúng xu thế để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn. Tuy nhiên cần lưu ý xem xét điều kiện vay, mức vay, lãi suất vay cho từng nhóm đối tượng (có đối tượng theo lãi suất của ngân hàng, thỏa thuận) và thủ tục vay; cần bổ sung, huy động các nguồn vốn ở các cấp cho hoạt động này”, ông Lê Quang Trung nói.
https://laodong.vn/cong-doan/se-co-them-doi-tuong-duoc-vay-von-uu-dai-xuat-khau-lao-dong-1446308.ldo