Thời sự
Cập nhật lúc 04:29 22/05/2025 (GMT+7)
Buôn Đôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết việc làm cho người dân

Đắk Lắk - Huyện Buôn Đôn xác định, khi ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao thì công tác giải quyết việc làm cho người dân sẽ càng trở nên thuận lợi.

Buôn Đôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết việc làm cho người dân
Huyện Buôn Đôn luôn nỗ lực tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Ảnh: Bảo Lâm

Nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề

Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Buôn Đôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Thông qua nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã được tham gia các khóa đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí.

Người lao động đến trụ sở UBND xã đọc các thông tin tuyển dụng lao động phổ thông. Ảnh: Bảo Lâm
Người lao động đến trụ sở UBND xã đọc các thông tin tuyển dụng lao động phổ thông. Ảnh: Bảo Lâm

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đi kèm như chi phí ăn ở, đi lại cũng được thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước, giúp người học yên tâm tham gia các khóa đào tạo.

Nhờ vậy, học viên có điều kiện tiếp cận kiến thức mới, nâng cao kỹ năng nghề. Từ đó có thể xin việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập, thoát nghèo và đảm bảo điều kiện học tập cho con em.

UBND huyện Buôn Đôn đánh giá, hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Người dân đã biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Qua đó, tư duy lao động và sản xuất trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng dần có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Buôn Đôn vẫn ghi nhận một số hạn chế. Trong đó, tỉ lệ học viên bỏ học còn ở mức 4,2%, chủ yếu do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hoặc phải đi làm ăn xa.

Lao động nông thôn được hỗ trợ vốn để sản xuất, nuôi trồng. Ảnh: Bảo Lâm
Lao động nông thôn được hỗ trợ vốn để sản xuất, nuôi trồng. Ảnh: Bảo Lâm

Tỉ lệ có việc làm sau đào tạo còn thấp, khoảng 8,3%. Một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề để phát triển bản thân và ổn định cuộc sống.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Nhằm giữ vững việc làm cho người lao động, chính quyền huyện Buôn Đôn chủ động xây dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

UBND huyện đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tư nhân về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số và miền núi.

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa giúp người dân chủ động làm việc, nâng cao năng suất. Ảnh: Bảo Lâm
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa giúp người dân tự chủ động làm việc, nâng cao năng suất. Ảnh: Bảo Lâm

Ông Nguyễn Đức Hiếu – Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cho biết, huyện chú trọng công tác phòng ngừa và hạn chế tranh chấp lao động. Bởi đây không chỉ là biện pháp ổn định an sinh xã hội mà còn là giải pháp giữ việc làm cho hàng trăm lao động.

Vì khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại, thậm chí phải đóng cửa, dẫn đến mất việc làm và thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, huyện Buôn Đôn cũng tích cực tuyên truyền, vận động người lao động không nghe theo các thông tin sai lệch, độc hại làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động và trật tự an toàn xã hội.

Buôn Đôn thực hiện các chính sách về dạy nghề, kết nối việc làm thu hút hàng trăm lao động tham gia. Ảnh: Bảo Lâm
Buôn Đôn thực hiện các chính sách về dạy nghề, kết nối việc làm thu hút hàng trăm lao động tham gia. Ảnh: Bảo Lâm

Theo UBND huyện Buôn Đôn, hằng năm, các hội nghị, buổi truyền thông miệng, nêu gương người tốt, việc tốt tại các thôn, buôn được tổ chức đều đặn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, người lao động được nâng cao nhận thức, trân trọng giá trị công việc và thu nhập chân chính từ lao động của chính mình.

Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp không thể hòa giải, huyện khuyến khích các bên sử dụng biện pháp khởi kiện tại tòa án thay vì tụ tập đông người, đảm bảo ổn định tình hình địa phương.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn chưa xảy ra bất kỳ cuộc đình công nào, cho thấy mối quan hệ lao động tại địa phương được duy trì ổn định, quyền lợi người lao động được đảm bảo.

Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì công tác giải quyết việc làm ở Buôn Đôn càng thêm thuận lợi, đạt chỉ tiêu cao.

https://laodong.vn/xa-hoi/buon-don-nang-cao-y-thuc-chap-hanh-phap-luat-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-dan-1510680.ldo

BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: