Thời sự
Cập nhật lúc 05:21 14/05/2025 (GMT+7)
Cán bộ, viên chức sẽ được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quy định ba nhóm đối tượng được cử tham gia, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Cán bộ, viên chức sẽ được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 14.5, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ, luật này quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đối tượng áp dụng của luật gồm 3 nhóm đối tượng.

Thứ nhất, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thứ ba, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Nội dung cơ bản của dự thảo luật gồm:

Chương I: Những quy định chung quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Quy định hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; chính sách của Nhà nước; quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; hợp tác quốc tế về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; các hành vi bị nghiêm cấm trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Chương II: Xây dựng và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Chương III: Về công tác bảo đảm và chế độ, chính sách: Quy định về kinh phí bảo đảm cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của lực lượng Việt Nam; sử dụng tiền bồi hoàn do Liên Hợp Quốc chi trả; chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Chương V: Về điều khoản thi hành.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ, được xác định nguyên nhân do quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình gây ra.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tháng 6.2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM-RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi) và Trụ sở Liên Hợp Quốc.

https://laodong.vn/thoi-su/can-bo-vien-chuc-se-duoc-cu-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-1506736.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: