Định hướng lại nguồn lực quốc gia để phát triển đột phá
Sự ra đời Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng với việc lần đầu tiên Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cho thấy quyết tâm chính trị cao nhất trong việc định hướng lại nguồn lực quốc gia, để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển đột phá.
Nghị quyết 57 không chỉ gióng lên hồi trống thúc giục toàn hệ thống chính trị vào cuộc, mà còn mở ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn cho việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.
Những nút thắt về cơ chế, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý đều được đề cập rõ ràng. Trong đó, thể chế được xem là điều kiện tiên quyết, đi trước một bước, bảo đảm “tư duy quản lý phải theo kịp sự phát triển”.
Bên cạnh yếu tố thể chế, con người là trung tâm của mọi đột phá. Đây cũng là điểm sáng trong Nghị quyết 57, bởi muốn phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số bền vững, không thể thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giàu óc sáng tạo.
Hướng tới mục tiêu đãi ngộ nhân tài, các cơ chế khuyến khích, thu hút chuyên gia hàng đầu, du học sinh giỏi trở về cống hiến cho quê hương, đều được chú trọng và cụ thể hóa.
Đáng chú ý, Nghị quyết 57 cũng khuyến khích việc đổi mới mô hình đào tạo và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng chương trình giáo dục hiện đại, gắn liền với thị trường và xu thế toàn cầu.
Với sự chủ động của nhiều trường đại học Việt Nam, tinh thần “tiệm cận chuẩn quốc tế” hứa hẹn cung cấp nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập, bắt kịp những xu hướng công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), hay công nghệ bán dẫn.
Đương nhiên, để hiện thực hóa những hứa hẹn, chúng ta cần thêm nỗ lực phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng nghiên cứu. Sự đồng bộ từ trung ương đến cơ sở sẽ quyết định thành bại trong việc đưa những cam kết thành hành động thực tiễn.
Nhưng khi ý chí chính trị đã được khẳng định ở cấp cao nhất, hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện và cộng đồng khoa học, doanh nghiệp đang dần sôi động, chúng ta có quyền tin rằng bộ ba khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trở thành động lực lớn cho tương lai.
Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ không chỉ rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, mà còn có thể vươn lên thành quốc gia dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ cốt lõi.
Nhìn xa hơn, những lợi ích to lớn từ Nghị quyết 57 sẽ không chỉ dừng lại ở việc tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện vị thế quốc gia, đồng thời tạo nền móng vững chắc cho thế hệ trẻ vươn ra toàn cầu.
Đây chính là kỳ vọng và cũng là trách nhiệm to lớn được đặt lên vai toàn hệ thống, để đưa Việt Nam cất cánh mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dinh-huong-lai-nguon-luc-quoc-gia-de-phat-trien-dot-pha-1450058.ldo
Hoàng Văn Minh (báo lao động)