Thời sự
Cập nhật lúc 11:51 26/03/2025 (GMT+7)
Giữ người tài ở khu vực công không chỉ là tăng lương

Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương có vai trò quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất để thu hút và giữ chân người tài làm việc trong khu vực công.

Giữ người tài ở khu vực công không chỉ là tăng lương
TS Nguyễn Tiến Dĩnh (bên trái) và PGS.TS Dương Văn Sao cho rằng, mức lương không phải yếu tố duy nhất để giữ người tài làm việc trong khu vực công. Ảnh: Hương Nha

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của các cơ quan về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.

Theo Bộ Nội vụ, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật.

Đó là, cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Cũng theo Bộ Nội vụ, mục đích xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - khẳng định: Luật Cán bộ, công chức là cơ sở vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn trung thành với tổ chức, với Đảng, Nhà nước, tận tụy, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

PGS.TS Dương Văn Sao nêu tình trạng thiếu hụt người tài của nhiều cơ quan, đơn vị trong khu vực công cho thấy khu vực này chưa thực sự hấp dẫn để thu hút, lôi cuốn những người lao động có trình độ năng lực và tâm huyết, gắn bó với công việc và cơ quan, tổ chức.

Nói cách khác, chính sách bố trí, sử dụng, tạo môi trường, điều kiện làm việc; công tác đánh giá kết quả thực hiện công việc, đặc biệt là chính sách đãi ngộ, động viên khích lệ kịp thời về vật chất và tinh thần chưa tạo được động lực thu hút, giữ chân họ.

Theo ông Sao, đối với người tài làm việc ở khu vực công, bên cạnh việc quan tâm đến tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình, thì họ còn quan tâm đến đến môi trường, điều kiện làm việc để khẳng định mình trong tập thể và xã hội; cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp.

"Tiền lương, thu nhập ổn nhưng môi trường, điều kiện làm việc không tốt, người tài không được tôn trọng, không được tạo điều kiện để phát huy tài năng, không có điều kiện phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến, thì họ cũng không gắn bó với cơ quan, tổ chức" - PGS.TS Dương Văn Sao chia sẻ.

Vị chuyên gia cho rằng, khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế thu hút, giữ chân người tài như: Quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng, về tạo môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ công chức; quan tâm đến đánh giá kết quả thực hiện công việc.

Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp và cơ chế bổ nhiệm, đề bạt; đặc biệt là cần quan tâm đến đãi ngộ, động viên, khen thưởng vật chất, tinh thần, kỷ luật cán bộ công chức.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, việc dùng chính sách đãi ngộ về vật chất, trong đó có tiền lương hoặc một số phụ cấp khác thì chưa hẳn đã giữ chân được người tài mà còn liên quan đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, phát triển. Vì vậy, phải giải quyết một cách đồng bộ chứ không phải chỉ chú ý một giải pháp.

Theo ông Dĩnh, muốn giữ được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công thì phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, phải đảm bảo thu nhập của người lao động có mức sống khá đối với công sức bỏ ra.

Đồng thời, phải có biện pháp đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng.

https://laodong.vn/thoi-su/giu-nguoi-tai-o-khu-vuc-cong-khong-chi-la-tang-luong-1482103.ldo

HƯƠNG NHA (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: